Cần điều kiện cụ thể để làm chủ họ
Nghị định số 144/2006/NĐ-CP không có quy định về giới hạn dẫn đến một người có thể là chủ họ của nhiều dây họ tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau. Vì vậy, khi “vỡ” họ, chủ họ thường mất khả năng thanh toán, kéo theo phản ứng dây chuyền, tác động xấu đến người tham gia họ và trật tự kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chính bất cập trong thực tế đó đòi hỏi cần có quy định đảm bảo chặt chẽ hơn đối với chủ họ, nhất là chủ họ có lãi. Theo đó, cần quy định điều kiện cụ thể để được làm chủ họ như điều kiện về nhân thân (phải là người thành niên và có năng lực pháp luật dân sự) hay tài sản đảm bảo (chủ họ phải chứng minh tài chính tại ngân hàng trước khi lập họ).
Như vậy, sẽ tạo được cơ chế đảm bảo tài chính và chế tài cụ thể khi xảy ra “vỡ” họ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia họ. Mặt khác, cần thiết quy định các chủ họ phải đăng ký và được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền mới được phép hoạt động.
Cùng với đó, cần quy định cụ thể việc chủ họ chỉ được lập tối đa 2 dây họ để tránh tình trạng “vỡ” họ dây chuyền, hạn chế thiệt hại cho nhiều người và tránh việc lợi dụng của chủ họ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, điều này có thể hạn chế quyền của chủ họ, đồng thời tính khả thi cũng không cao bởi lẽ khó có cơ chế kiểm soát các dây họ và người tham gia các dây họ có thể không biết danh tính của nhau.
Bổ sung giấy biên nhận khi góp họ
Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, chủ họ phải lập và giữ sổ họ, trong trường hợp không có chủ họ thì người tham gia họ ủy quyền cho một thành viên lập và giữ sổ họ. Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp hoặc có dấu hiệu gây bất lợi cho chủ họ thì chủ họ thường hủy sổ họ hoặc không giao nộp sổ họ nên khó xác định được chứng cứ chứng minh số tiền bị thiệt hại của các thành viên còn lại vì chỉ có chủ họ giữ sổ này.
Ngoài ra, quy định này cũng chưa rõ ràng vì trong trường hợp chưa có chủ họ thì những người tham gia họ ủy quyền cho một thành viên lập và giữ sổ. Vậy nếu sổ họ đã được lập bởi thành viên được ủy quyền thì chủ họ sau này có phải lập sổ họ mới hay không? Ngoài ra, các nội dung của sổ họ được quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP trên thực tế chưa được những người tham gia họ quan tâm nên khi phát sinh tranh chấp, Tòa án rất khó khăn trong việc thu thập chứng cứ và xác định các nội dung liên quan tới thông tin của chủ họ, phần họ, ngày giao họ…
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung một số quy định cần thiết để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình chơi họ, thiết lập cơ sở, bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Cụ thể, bên cạnh quy định có 1 sổ họ thì cần thiết nghiên cứu bổ sung quy định về giấy biên nhận để khi các thành viên tham gia góp họ thì chủ họ giao giấy biên nhận cho thành viên đó. Đây sẽ là một trong những bằng chứng để Tòa sử dụng khi xét xử vụ việc liên quan đến họ và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của những người tham gia họ.
Cùng với đó, cần tách bạch quy định về việc lập và giữ sổ họ để có thể điều chỉnh hai hành vi này một cách độc lập. Trong đó, quy định về việc lập sổ họ theo hướng do các thành viên thỏa thuận, trong trường hợp không có thỏa thuận thì chủ họ lập; quy định về việc giữ sổ họ theo hướng chủ họ giữ sổ họ trừ trường hợp các thành viên thỏa thuận giao sổ họ cho người khác giữ.