Ngay sau khi Thông tư số 32/2016/TT-NHNN gây xôn xao dư luận vì “cấm” tổ chức không có tư cách pháp nhân mở tài khoản thanh toán, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền. Sau rất nhiều cuộc họp trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của Thông tư này, mới đây Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) Đồng Ngọc Ba đã chính thức ban hành Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức xem xét, xử lý những nội dung không hợp pháp của Thông tư 32.
Quá trình kiểm tra Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan, một số chuyên gia, nhà khoa học.
Thậm chí tại cuộc họp liên ngành, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tự xử lý. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái xử lý nên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL đã căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ra kết luận kiểm tra đối với Thông tư 32.
Sẽ bị đóng tài khoản sau ngày 1/3/2018
Sở dĩ Thông tư 32 gây xôn xao dư luận là vì khoản 6 Điều 1 của Thông tư quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân. Đồng thời, điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư 32 quy định: sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành (ngày 1/3/2017) sẽ đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành chuyển đổi hình thức tài khoản.
Đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bị hạn chế bởi Thông tư 32 |
Với quy định này, Thông tư 32 xác định: chỉ cá nhân và pháp nhân có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng; các tổ chức không có tư cách pháp nhân không được (không có quyền) mở tài khoản tại ngân hàng; các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản, nếu không thực hiện chuyển đổi thì sau 12 tháng (được hiểu là sau ngày 1/3/2018) sẽ bị đóng tài khoản.
Liên quan đến những nội dung trên, Kết luận của Cục Kiểm tra văn bản khẳng định, pháp luật hiện hành không có quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng mở, sử dụng) tài khoản tại ngân hàng. Ngược lại, quyền ký hợp đồng của doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân là loại hình tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân) đã được Luật Doanh nghiệp ghi nhận.
Quyền mở tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân còn được quy định rõ trong một số luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể, như: văn phòng luật sư (do một luật sư thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật (Điều 33 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012); văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam (khoản 4 Điều 17 Luật Thương mại năm 2005); văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có con dấu, được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng (khoản 2 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016)…
Như vậy, việc khoản 6 Điều 1 Thông tư 32 quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Kết luận 05 của Cục Kiểm tra văn bản cũng khẳng định, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực.
Kết luận của Cục Kiểm tra văn bản còn nhấn mạnh, cả 2 quy định trên không hợp pháp về mặt thẩm quyền (vượt quá thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) do có nội dung hạn chế quyền dân sự của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nếu xảy ra hậu quả, phải có biện pháp khắc phục
Không những thế, việc quy định không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng còn thể hiện sự không thống nhất ngay trong các quy định của Thông tư 32 và Thông tư 23.
Cục trưởng Đồng Ngọc Ban đã ký Kết luận kiểm tra đối với Thông tư 32 |
Theo đó, khoản 6 Điều 1 Thông tư 32 không cho tổ chức không có tư cách pháp nhân mở tài khoản thanh toán, tức là không thể trở thành bên sử dụng dịch vụ trong hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Nhưng điểm c khoản 1 Điều 2 và điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư 23 lại quy định chi nhánh ngân hàng nước ngoài (một loại đơn vị không có tư cách pháp nhân theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017) là bên cung ứng dịch vụ hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán.
Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, hiện Cục chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá toàn diện tác động kinh tế - xã hội của việc thực hiện các quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư 32. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, có thể nhận định rằng việc không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó có các chủ thể kinh doanh, tổ chức hành nghề (doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư…) được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng sẽ gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong tổ chức hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng… của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư.
Việc hạn chế này cũng không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, việc buộc các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực phải chuyển đổi hình thức tài khoản đang sử dụng theo điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư 32 sẽ gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tốn kém về thời gian, chi phí.
“Chốt” lại, Cục Kiểm tra văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức xem xét, xử lý ngay những nội dung không hợp pháp của Thông tư 32; rà soát quá trình thực hiện Thông tư 32 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định không hợp pháp nêu trên gây ra (nếu có); thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận 05.