Đầu xuôi, đuôi không... lọt
Theo đơn của ông Nguyễn Ngọc Oanh (SN 1960, trú tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, bố chị Phượng) gửi Báo PLVN, năm 2014, chị Phượng tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, chuyên ngành Xét nghiệm. Qua quen biết, bà Hường đã “rỉ tai” chị Phượng rằng có thể xin được một suất vào Khoa Xét nghiệm với chi phí 150 triệu đồng. Vậy là gia đình ông Oanh đã đôn đáo lo đủ tiền để chuyển cho bà Hường với mong muốn con gái sẽ xin được việc làm đúng chuyên môn.
Ngày 16/6/2014, ông Oanh đã đưa cho bà Hường 100 triệu đồng, kèm với giấy biên nhận có chữ ký của hai bên. Hai ngày sau, ông Oanh tiếp tục chuyển khoản 50 triệu đồng qua Ngân hàng Agribank cho bà Hường.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm, chị Phượng vẫn không được vào làm việc như lời bà Hường hứa. Bà Hường đành hẹn đến 27/4/2015 sẽ hoàn trả đủ số tiền cho ông Oanh. Đến hẹn, bà Hường chỉ lo được 40 triệu đồng và khất trả nốt 110 triệu vào tháng 7/2016. Cam kết này cũng bất thành. Ông Oanh đành kêu cứu tới lãnh đạo BVĐK An Dương.
Ngày 04/8/2016, Bệnh viện đã tổ chức họp các thành phần liên quan và bà Hường lại tiếp tục cam kết sẽ trả nốt số tiền 110 triệu đồng cho ông Oanh sau 1 tháng. Tuy nhiên, đến nay, sau khi làm đơn kêu cứu gửi Sở Y tế Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng và Công an huyện An Dương, ông Oanh vẫn chưa nhận được đủ số tiền.
Dấu hiệu “chìm xuồng”?
Ông Phạm An Hiện - Giám đốc BVĐK An Dương xác nhận việc ông Oanh tố cáo là có thật. Bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhắc nhở nhiều lần nhưng bà Hường vẫn không thực hiện đúng theo các cam kết. Xét thấy hành vi của bà Hường gây ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện và gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông Oanh. Tháng 4/2017, đơn vị gửi công văn đề nghị Công an huyện An Dương cung cấp, thông báo kết quả giải quyết vụ việc để có căn cứ xử lý viên chức theo quy định. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện An Dương thụ lý giải quyết và chưa có kết quả cuối cùng. Trong quá trình này, bà Hường nhiều lần đề nghị Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện “hỗ trợ” một phần kinh phí để bà trả nợ.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Oanh cho biết: “Chúng tôi là nông dân nên để lo đủ số tiền trên giao cho bà Hường là cả một nỗ lực lớn. Ngoài vay mượn họ hàng, người thân, gia đình tôi còn phải thế chấp tài sản để vay tiền từ ngân hàng. Ba năm đã trôi qua, con tôi đành đi làm công nhân. Hàng tháng, gia đình tôi phải “còng lưng” trả khoản nợ ngân hàng cả lãi và gốc”.
Theo Luật sư Ngô Trung Kiên (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang), việc mạo nhận khả năng xin việc rồi cầm tiền của người khác và không trả có dấu hiệu về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong hầu hết các vụ việc đó, Cơ quan điều tra, Tòa án đều nhận định, người “cầm tiền chạy việc” không có chức năng và xin việc, nhưng vẫn cố tình đưa thông tin sai sự thật về việc có thể xin việc để người khác đưa tiền. Sau đó đã chiếm đoạt số tiền trên. Việc trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền chỉ là khắc phục hậu quả.
Việc bà Hường cầm tiền của người khác để xin việc giúp nhưng không làm được cũng giống về bản chất và hành vi khách quan với các vụ án đã bị khởi tố. Nhưng tại sao đến nay bà Hường vẫn bình an vô sự trước những chế tài nghiêm khắc của pháp luật? Phải chăng, có một ngoại lệ đối với việc xử lý vụ việc này của các cơ quan chức năng huyện An Dương hay là vì lý do nào khác khiến vụ việc có dấu hiệu “chìm xuồng” và người vi phạm vẫn an toàn ngay khi hành vi vi phạm pháp luật đã lộ rõ?
Lừa đảo chạy việc vào các cơ quan nhà nước là một thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin nên nhiều người vẫn “sập bẫy”. Vụ việc một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo cho mọi người cần hết sức tỉnh táo trước những trò lừa đảo chạy việc, chạy trường, chạy bằng cấp để tránh “tiền mất, tật mang”.