Hàng trăm xe máy, không một bình cứu hỏa
Gần đây, hàng trăm công nhân có hộ khẩu trên địa bàn xã Cao Minh và các xã lân cận đã tìm được việc làm từ xưởng may mũ giầy Phong Ích. Xưởng may này nằm ngay trên trục đường chính vào trụ sở UBND xã Cao Minh với diện tích khoảng 1.600 mét vuông.
Để được làm việc tại xưởng, công nhân phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm: sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận nhân sự từ chính quyền địa phương. Với mức lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng cộng với tiền chuyên cần, hỗ trợ ăn trưa, mỗi công nhân sẽ có tổng thu nhập từ 5 - 7 triệu/tháng. Ở các vị trí quản lý, mức lương có thể tăng lên 8 triệu/tháng. Thời gian tăng ca muộn nhất là đến 7 giờ 30 phút hàng ngày.
Cũng theo “quảng cáo” từ người phụ trách mảng tuyển dụng của nhà xưởng, đơn vị hiện đã đóng bảo hiểm xã hội cho các vị trí lãnh đạo và công nhân may có tay nghề. Quảng cáo là vậy, tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị này mới đi vào hoạt động được khoảng một tuần và chưa hoàn thiện bất cứ thủ tục pháp lý nào theo quy định.
Ông Đỗ Văn Thiết, Phó chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết, diện tích xưởng trên thuộc sở hữu của ông Nguyễn Xuân Trường (trú tại thôn Tân Lập), trước đây được ông này dùng làm xưởng để gỗ. Từ đầu tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường đã ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng với công ty TNHH sản xuất Hải Lâm (có trụ sở tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) do bà Lê Thúy Hằng làm Giám đốc. Sau đó, phía công ty TNHH sản xuất Hải Lâm đã tiến hành “đại tu” nhà xưởng để bắt đầu hoạt động.
Người lao động đến làm việc tại xưởng |
Theo quan sát thực tế, phần nhà xưởng trên được lợp tôn sơ sài. Phần sân của xưởng được tận dụng làm nơi để xe công nhân với hàng trăm xe máy, xe đạp các loại. Xung quanh xưởng có các cửa sổ để tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên, xưởng không có cửa thoát hiểm cũng như bình cứu hỏa và các yêu cầu khác liên quan đến phòng chống cháy nổ.
Phát hiện cơ sở hoạt động "chui", ngày 20/3 vừa qua, UBND xã Cao Minh đã tiến hành lập biên bản với đại diện chủ sử dụng đất để yêu cầu ông này đôn đốc bên thuê xưởng hoàn tất mọi thủ tục.
Sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành
Theo ông Thiết, vấn đề đáng lo ngại nhất khi xưởng may này đi vào hoạt động là vấn đề môi trường bởi phát sinh ra rác thải công nghiệp. Tuy nhiên, phía chủ xưởng cam kết với chính quyền địa phương sẽ không đổ rác ở bãi rác sinh hoạt của địa phương mà chở toàn bộ rác thải... ra khỏi địa bàn với tần suất 1 lần/tuần.
Ông Nguyễn Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho hay, tại nhà xưởng, hiện có 4 người Trung Quốc đang làm việc nhưng chưa đăng ký tạm trú hay lưu trú trên địa bàn. Do vậy, UBND xã Cao Minh đã yêu cầu bà Lê Thúy Hằng cung cấp giấy tờ tùy thân của họ đồng thời hướng dẫn họ làm thủ tục tạm trú tại công an TP Hải Phòng.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Chúc, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, các nhà xưởng hoạt động có yếu tố người nước ngoài trên địa bàn đều được UBND huyện kiểm tra thường xuyên. Đối với trường hợp nhà xưởng nói trên, UBND huyện sẽ nhanh chóng lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: công đoàn, bảo hiểm xã hội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm để trực tiếp xuống xưởng kiểm tra.
Năm 2011, tại xã Tân Dân, huyện An Lão (TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ việc 13 người chết cháy vô cùng thương tâm do chủ nhà xưởng may “phớt lờ” các quy định pháp luật. Như vậy, việc dư luận quan tâm đến hệ lụy phức tạp khi xưởng may mũ giày Phong Ích đi vào hoạt động mà không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn lao động là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ, UBND xã Cao Minh, UBND huyện Vĩnh Bảo và các ban ngành liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, yêu cầu chủ xưởng hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo an ninh trật tự cũng như an toàn xã hội trên địa bàn.