Theo đó, mức thu đối với xe dưới 100cm3 là 50.000 đồng/xe/năm, xe trên 100cm3 là 100.000 đồng/năm.
Theo Thông tư số 33/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định giao UBND xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan là cơ quan thu phí đối với xe máy.
Đối với xe phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hằng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 7 (từ ngày 1 đến 31/7); xe phát sinh từ ngày 1/7 đến 31/12 hằng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất là ngày 31/1). Các năm tiếp theo không có biến động tăng, giảm xe, chủ phương tiện thực hiện nộp phí vào tháng 1 hằng năm với mức thu phí 12 tháng cho cơ quan thu phí.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải và Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội đôn đốc các địa phương tổ chức thu phí, quản lý, sử dụng nguồn thu phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng “áp” chỉ tiêu thu phí đối với từng quận huyện như quận Đống Đa hơn 20 tỷ đồng; quuanj Hai Bà Trưng gần 18 tỷ đồng, huyện Đông Anh gần 15 tỷ đồng; huyện Thanh Trì hơn 12 tỷ đồng…
Dự tính, tổng số kinh phí bảo trì đường bộ thu được đối với xe máy trong năm 2015 là hơn 286 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp số liệu thu phí theo tháng và cả năm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn theo địa bàn quản lý gửi Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải./.