Hà Nội tập trung nguồn lực nâng cấp hệ thống hạ tầng Thủ đô tổng thể, hiện đại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Hà Nội sẽ triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch; hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển TP thuộc Thủ đô đảm bảo kết nối với các tỉnh, TP phía xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng.

Hoàn thành, phê duyệt khối lượng lớn các đồ án quy hoạch

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 vừa diễn ra, ông Dương Đức Tuấn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011; Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch.

Đến nay, TP đã hoàn thành, phê duyệt một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phủ kín 100/%, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các đồ án quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Các quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch được ban hành đã cơ bản đầy đủ để triển khai quản lý đô thị, đất đai, đầu tư, xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị như Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021; Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, sau gần 15 năm hợp nhất, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô.

Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội.

Quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hà Nội cũng nhận thức rõ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thời gian qua vẫn còn những tồn tại, khó khăn và thách thức.

Đó là chưa được định hình rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; tốc độ đô thị hoá chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác quản lý, kiểm soát dân số và giãn dãn dân nội đô còn nhiều khó khăn….

Theo Phó Chủ tịch Hà Nội, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan như hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức còn bất cập. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Thể chế liên kết vùng còn nhiều hạn chế, tính gắn kết chưa cao; một số vấn đề chưa được giải quyết thống nhất, đồng bộ như việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ở quy mô vùng, liên kết kinh tế vùng giữa Thủ đô với các địa phương chưa thật hiệu quả...

Xây dựng mô hình phát triển TP thuộc Thủ đô

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết xác định mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, với vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”; xây dựng Thủ đô trở thành TP thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả, liên kết vùng để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Đảng bộ TP Hà Nội đã có Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022.

Tới đây, TP sẽ tiếp tục xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ đảm bảo thống nhất toàn diện.

Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, qua nghiên cứu Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ; UBND TP Hà Nội nhận thấy 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó gồm 33 nhiệm vụ cụ thể đã thể hiện rất đầy đủ những nội dung, giải pháp cần triển khai, có tính đổi mới, gắn kết với thực tiễn, rất quan trọng và cần thiết đối với TP Hà Nội.

Trên cơ sở đó, TP sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tập trung triển khai một số nội dung cơ bản. TP cũng đưa ra một số kiến nghị như tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, triển khai các công tác, chương trình trọng điểm có kế hoạch; nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, nhà ở... để tạo hành lang pháp lý bền vững, thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cho biết sẽ tập trung xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo thống nhất đồng bộ với Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển đô thị TP, Chương trình cải tạo, tái thiết đô thị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp, liên kết đồng bộ, đồng thời với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông hồng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan làm cơ sở pháp lý, công cụ để đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng phát triển.

TP cũng sẽ triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch; hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển TP thuộc Thủ đô đảm bảo kết nối với các tỉnh, TP phía xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng.

Tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại; phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng. Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 30/11, UBND TP ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn với trách nhiệm đối với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của TP trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch tập trung vào 7 nội dung. Trong đó, TP Hà Nội cho biết sẽ chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục

Quang cảnh phiên họp thứ 9 về giải trình, chất vấn việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2021 đến nay

Bình Định: Tổ chức phiên họp giải trình, chất vấn việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp

(PLVN) - Ngày 25/4, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ 9 về giải trình, chất vấn việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2021 đến nay. Phiên họp có sự tham dự và chủ trì của ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định và ông Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Định.

Đọc thêm

Thừa Thiên Huế: Thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ trong xử lý xe quá khổ, quá tải

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế quyết liệt xử lý xe quá khổ, quá tải.
(PLVN) - Đang là “mùa xây dựng”, nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai khiến nhu cầu vận chuyển nguồn vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến nguy cơ xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể xảy ra. Nhận thức rõ nguy cơ đó, Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung tuần tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm với tinh thần “kiểm tra thường xuyên, xử lý quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.