Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá nước sạch từ ngày 1/7

Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá nước sạch từ ngày 1/7
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến, từ ngày 1/7 tới, TP Hà Nội sẽ thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, giá nước sạch ở Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng lần một từ 5.973 đồng m3 lên mức 7.500 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng dưới 10m3/tháng). Từ đầu năm 2024, giá nước sạch tăng lên mức 8.500 đồng/m3.

“Cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân”

Đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 (giữ nguyên theo mức giá nước sạch tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND).

Đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, TP Hà Nội sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại khu vực này.

Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, mức tăng dự kiến theo lộ trình, cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Cụ thể, đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm là từ 15.000 – 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72%.

Phương án điều chỉnh giá nước của TP Hà Nội.

Phương án điều chỉnh giá nước của TP Hà Nội.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Trên thực tế, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm.

Hiện nay, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng, trong đó tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%.

Bên cạnh đó, chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng như thuế Tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng tăng 30%; đồng thời, từ năm 2017 đã bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ và chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhân dân

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP khoảng 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác hiện nay là 780.000 m3/ngày đêm.

Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm.

Tại thời điểm năm 2022, 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt có công suất đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho TP. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho TP được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Thêm vào đó, ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) có hiệu lực thi hành từ 15/6/2019 thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, để xử lý nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT thì các đơn vị lưu thông cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để đảm bảo nước sạch cấp đến người dân đảm bảo QCVN 01-1:2018/BYT. Do vậy, với giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sẽ giúp đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm, an ninh nguồn nước và ngăn ngừa tình trạng sụt lún mặt đất. Giảm dần quy mô khai thác nước ngầm theo đúng quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 về điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các Nhà máy nước mặt công suất lớn (Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Sông Đà và Sông Hồng), góp phần bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên nước, hạn chế các hiện tượng sụt lún do khai thác quá mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến các công trình xây dựng và môi trường sống của người dân trên địa bàn TP.

Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Bởi, khi điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt thì các đơn vị cấp nước có nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất nước sạch, đồng thời thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án cấp nước để đảm bảo sản lượng nước được cung ứng đầy đủ, liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Giá nước được điều chỉnh còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô. Đảm bảo các hộ dân ở các vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.