Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký SHCN nộp vào Cục SHTT với 135.692 đơn (chiếm 47%), tiếp đến là Hà Nội với 108.099 đơn (chiếm 37,44%).
Trong danh sách top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký SHCN còn có sự xuất hiện của các địa phương có sự phát triển kinh tế năng động như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Về đăng ký sáng chế, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sáng chế trong giai đoạn 2011-2020, với 2.639 đơn. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 1.556 đơn, Bà Rịa-Vũng Tàu 98 đơn, Đồng Nai 96 đơn, Đà Nẵng với 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, số lượng đơn đăng ký sáng chế Việt Nam tăng trung bình 10%-19%, tuy nhiên năm 2020 đã có sự gia tăng đột biến lên tới 29% lớn nhất từ trước đến nay.
Top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 2011-2020 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ). |
“Điều này có được là do nhận thức của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đã được nâng lên, họ đã thực sự quan tâm đến việc xác lập quyền tài sản trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, còn có sự nỗ lực của các Ban, Bộ, Ngành và địa phương, đặc biệt là Cục Sở hữu trí tuệ và các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc phổ biến, tuyên truyền, cũng như nâng cao năng lực chung của hệ thống sở hữu trí tuệ trong các năm gần đây”- Cục sở hữu trí tuệ cho biết.
So với năm 2019, số lượng đơn đăng ký sáng chế của một số địa phương có sự tăng trưởng vượt bậc. Điển hình nhất là TP Hà Nội đạt 188 đơn, TP.HCM đạt 68 đơn. Trong đó, Cần Thơ là địa phương có sự gia tăng nhanh nhất, từ 4 đơn trong năm 2019, đến năm 2020 là 23 đơn, tăng 475%.
Ngoài ra, Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là 3 đơn vị có số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích nhiều nhất trong cả nước với tổng số 2.309 đơn, chiếm 88,16% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích của top 10 chủ đơn Việt Nam (tổng top 10 là 2.619 đơn).
Top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2020 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ). |
Hai địa phương sở hữu số lượng Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích nhiều nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, lần lượt là 1.108 và 469 văn bằng, chiếm khoảng 74% tổng số Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích của cả nước. Các địa phương xếp sau là Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết về số lượng đơn chỉ dẫn địa lý, tính từ khi Cục Sở hữu trí tuệ bắt đầu nhận đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (năm 2001) đến hết năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 116 đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó số lượng đơn của Việt Nam là 109 đơn và của nước ngoài là 7 đơn.
Về chủ thể nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, theo Cục Sở hữu trí tuệ, chủ yếu là UBND cấp huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh, UBND cấp tỉnh và các Sở KH-CN, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục phát triển nông thôn hoặc Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Hiệp hội nghề nghiệp và Doanh nghiệp. Trong đó, UBND/Sở là tổ chức nộp đơn nhiều nhất với 96 đơn, tiếp theo là Chi cục với 6 đơn, Hiệp hội với 5 đơn và Doanh nghiệp là 2 đơn.
Hai địa phương có số lượng nộp đơn nhiều nhất (9 đơn), gồm Yên Bái và Hà Giang; tiếp theo là các đơn vị Thanh Hoá, Bến Tre, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người dân mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng, danh tiếng cho sản phẩm.
Điển hình như trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tỏi An Thịnh – sản phẩm đầu tiên ở Bắc Ninh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; đồng thời cũng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "tỏi Lý Sơn”...
Để tận dụng hết được những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại, Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh tới việc cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất sản phẩm vào tiến trình đăng ký quản lý chỉ dẫn địa lý.