Kết nối văn hóa ngàn đời
Theo nhà thơ Bằng Việt, khi gắn kết văn hóa xứ Đoài vào với văn hóa Thăng Long, có ý kiến lo lắng rằng hai vùng đất văn hóa sẽ có thể bị tổn hại, phai nhạt đi bản sắc văn hóa của mình.
Nhưng thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên một tầm cao mới.
Sau khi hợp nhất Hà Tây, Hà Nội và một số địa phương, Thủ đô đã trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa, gồm 5.922 di tích, có một di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 di sản tư liệu thế giới; 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích Quốc gia. Hà Nội cũng được xếp hàng đầu cả nước về việc tổng kiểm kê có 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
“10 năm không phải là thời gian quá dài nhưng chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác tổng hòa với nhau một cách tinh tế, hài hòa, chắt lọc, bổ sung cho nhau, để tới lúc sẽ cùng hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất đó là văn hóa Thủ đô không chỉ phong phú, đa dạng mà còn rộng lớn, năng động, giữ vững bản sắc và cùng vươn cao, tiến xa trong tiến trình đổi mới và hội nhập”, nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Chùa Thầy, một di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội |
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Tại lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa 12 đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển. Điều đó thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô những năm qua.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Không gian kinh tế của Thủ đô được mở rộng phát triển, đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề được khuyến khích phát triển. Đến nay, trên địa bàn có 1.350 làng nghề và làng có nghề (tăng 70 làng so với năm 2010).
Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên; hệ thống y tế phát triển đồng bộ; giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững; chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm.
Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hoá xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được tổ chức UNESCO vinh danh. Tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, Làng văn hóa đạt 60%, Gia đình văn hóa đạt 86,5%. Hà Nội đã triển khai thực hiện 2 bộ: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”.
Cùng với đó, Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008-2017 đạt 88.647 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đến nay đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008.
“Triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra khi hợp nhất và định hướng phát triển không gian theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố đã lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung nhằm mục tiêu phủ kín 100% diện tích; đến nay, đã phê duyệt 57/68 đồ án. Ngay sau khi hợp nhất, Thành phố đã triển khai 329/642 đồ án phát triển không gian đô thị. Hiện nay, đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; phát triển Thành phố thông minh tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài…”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: "Trung ương ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo Thành phố, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, về tôn giáo, nhất là có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý quy hoạch, lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng...",
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm rằng, các cấp, các ngành của Hà Nội, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Thành phố không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được mà cần nghiêm túc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời.
Chính vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
"Qua 10 năm phát triển, tình hình hiện nay đã và đang đặt ra cho Thành phố những yêu cầu, những thách thức mới, trong đó phát triển kinh tế tri thức là một trong những yêu cầu mang tính thời đại.