Theo bản quy hoạch này, sẽ hình thành một siêu tổ hợp công trình trung tâm tài chính thương mại làm điểm nhấn chủ đạo cho khu vực phía Bắc sông Hồng.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài xác định tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của khu vực, nhằm liên kết phát triển tổ hợp hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, khu nhà ở chất lượng cao.
Đây là một trong những không gian trọng yếu nối kết khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không của quốc gia - nơi tạo lập các trung tâm dịch vụ công cộng của Thủ đô gắn kết với các không gian mở của khu vực phía Bắc và cảnh quan tự nhiên hệ thống không gian xanh mặt nước, sông Hồng, sông Thiếp - đầm Vân Trì, đầm Xuân Du, sông Cà Lồ.
Theo quy hoạch đã được duyệt, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.810,1 ha trên tổng chiều dài tuyến đường khoảng 11,1km, gồm: đoạn 1 là 396,8ha, chiều dài khoảng 5km với dân số khoảng 6.535 người; đoạn 2 là 524,9ha, chiều dài khoảng 4km với dân số khoảng 20.291 người; đoạn 3 là 888,4ha, chiều dài khoảng 2,l km với dân số khoảng 70.012 người.
Về không gian kiến trúc, quy hoạch yêu cầu, chiều cao công trình thấp dần về phía sân bay Nội Bài và cao nhất là khu vực tháp tài chính thương mại Phương Trạch. Cụ thể, đoạn 1 gồm các công trình có chiều cao tối đa khoảng 7 tầng; đoạn 2, các công trình có chiều cao tối đa khoảng 20 tầng; đoạn 3, các công trình có chiều cao tối đa lên tới 108 tầng.
Kiến trúc cảnh quan khu vực phải mang tính hài hòa giữa cũ và mới; giữa các không gian cảnh quan khác nhau. Không gian trong các khu ở, đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc trục lõi trung tâm, tạo được sự hài hòa giữa các công trình thương mại cao tầng; chung cư cao tầng với khu nhà ở sinh thái thấp tầng; làng xóm cũ và các công trình hạ tầng xã hội khác. Đối với các công trình làng xóm cũ, sẽ cải tạo theo hướng tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giữ được cấu trúc làng xóm cũ truyền thống, mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn…
Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được lập trên ý tưởng “Rồng đuổi ngọc” tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, xương sống là tuyến cao tốc từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.
Thời điểm lập quy hoạch, lãnh đạo thành phố xác định: “Đây là cửa ngõ Việt Nam và thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững, dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên. Trong đó, mặt nước tự nhiên là yếu tố quan trọng, khai thác cùng mặt nước nhân tạo, hình thành tuyến du lịch đường thủy”…
Hình ảnh tương lai của Thủ đô |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, quy hoạch là tiền đề cho việc phát triển đô thị đồng bộ tại khu vực Bắc sông Hồng, đồng thời là cơ sở để xác định các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia, góp phần tạo dựng khu vực đô thị mới Bắc sông Hồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP đã có quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 thành lập Ban chỉ đạo khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để triển khai, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án thành phần. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức việc xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư các dự án thành phần phát triển đô thị trong khu vực Nhật Tân - Nội Bài.
Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính đề xuất phương án tài chính, huy động vốn, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và tiến độ triển khai dự án. UBND các huyện Đông anh và Sóc Sơn phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý đất đai, xây dựng theo quy hoạch được duyệt, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…
“Đây là cửa ngõ Việt Nam và thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững, dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên. Trong đó, mặt nước tự nhiên là yếu tố quan trọng, khai thác cùng mặt nước nhân tạo, hình thành tuyến du lịch đường thủy”. - Chủ tịch UBND TP cho biết thêm.