Cần khoảng 11 triệu USD để hỗ trợ trẻ em tổn thương do bão lũ
Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam cần khoảng 11 triệu USD để hỗ trợ trẻ em bị tổn thương do bão lũ. UNICEF đang huy động mọi nguồn lực để đảm bảo các nguồn viện trợ khẩn cấp và kịp thời. Trao đổi với truyền thông, bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, nước sạch, vệ sinh, sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tiền mặt cho gia đình dễ tổn thương do bão Yagi… đang được UNICEF xúc tiến triển khai.
Theo bà Silvia Danailov, UNICEF đã và đang làm việc chặt chẽ với các đối tác chính phủ, cơ quan của Liên hợp quốc, đối tác khác để cứu trợ ngay lập tức, xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Thông qua các đối tác chính phủ, UNICEF cung cấp hàng hóa cứu trợ cho cộng đồng bị ảnh hưởng như cung cấp vật tư ngành nước cho Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thái Nguyên, sẽ cung cấp thêm viên lọc nước, bể chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô để phân phát cho gia đình, trường học, cơ sở y tế tại Yên Bái, Lào Cai…
Cũng theo bà Silvia Danailov, can thiệp khẩn cấp của UNICEF đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch, vệ sinh, sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tiền mặt cho gia đình dễ tổn thương, gồm: cung cấp giải pháp xử lý nước, vật tư vệ sinh, lưu trữ nước an toàn cho hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học; vận chuyển vật tư y tế khẩn cấp, gồm vaccine, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng, viên bổ sung dinh dưỡng, bộ vật dụng vệ sinh cá nhân cho trung tâm y tế ở nơi bị ảnh hưởng nặng nề; hỗ trợ trường học bằng việc thiết lập khu vực dạy - học tạm thời, cung cấp học phẩm, hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị ảnh hưởng bởi thảm họa; cung cấp bộ vật phẩm thiết yếu, gồm tài liệu hỗ trợ tâm lý, dụng cụ giáo dục, vật tư vệ sinh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho trẻ em, gia đình ở nơi bị ảnh hưởng nặng nề; hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt cho gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là gia đình có trẻ em, phụ nữ mang thai.
Về chiến lược lâu dài nào để phục hồi từ thiên tai này, theo bà Silvia Danailov, ước tính 5,5 triệu trẻ em, trong đó 1,2 triệu trẻ dưới năm tuổi, sống ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng triệu trẻ em khác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước. Để đảm bảo tiếp cận nước, vệ sinh cá nhân, UNICEF chuẩn bị cung cấp vật phẩm xử lý nước, dụng cụ lưu trữ nước an toàn cho ít nhất 400.000 hộ gia đình. Ước tính 2 triệu trẻ em gián đoạn việc học do trường học đóng cửa, việc mở cửa lại trường học cũng là ưu tiên mà UNICEF sẵn sàng hỗ trợ. UNICEF cũng làm việc để đảm bảo việc tiếp cận liên tục với chăm sóc sức khỏe ban đầu, dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ em.
“Việt Nam đã thể hiện khả năng quản lý thảm họa hiệu quả, thông qua việc huy động ứng phó cấp cao và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Việc đầu tư vào các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó thiên tai tập trung vào trẻ em, nhạy cảm giới và bền vững là rất quan trọng. UNICEF sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa tương lai” - bà Silvia Danailov cho biết.
Yêu thương, chăm sóc để trẻ không bị tổn thương lần nữa
Đối diện với thiên tai trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất. (Ảnh:UNICEF) |
Về phía Việt Nam, các cơ quan, ban ngành cũng đã tích cực hỗ trợ trẻ em phục hồi thiệt hại sau siêu bão Yagi. Đơn cử, chỉ trong ngày 13/9, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) đã tiếp nhận tài trợ 2 tỷ đồng từ các nhà tài trợ trao tặng để hỗ trợ cho trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau cơn bão số 3.
Được sự ủy quyền của Quỹ BTTEVN, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương đã hỗ trợ 3 trẻ em tại huyện Cao Phong và 3 trẻ em tại thành phố Hòa Bình để phần nào cùng gia đình và các lực lượng và cơ quan chức năng dựng lại nhà bị sập cho gia đình các em. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trao quà gồm các vật dụng thiết yếu để hỗ trợ các gia đình và trẻ em vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nặng nhất Yên Bái sớm ổn định cuộc sống; hỗ trợ khẩn cấp 1.000 suất ăn và 50 học bổng trị giá 100 triệu đồng cho 96 trẻ em phải di dời khỏi khu chung cư Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng do hậu quả của bão Yagi…
Quan tâm đến các vấn đề an toàn cho trẻ em trong mùa mưa bão, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã truyền thông bộ tài liệu về các nội dung: phòng, chống đuối nước trẻ em mùa mưa bão; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em khi có thiên tai; giúp trẻ em vượt qua chấn thương tâm lý sau thiên tai…
Những thiệt hại về người và của do bão Yagi gây ra đã khiến rất nhiều người bị ám ảnh, sang chấn tâm lý, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng ghi nhận nhiều gia đình tử vong cả hai vợ chồng, để lại con nhỏ. Theo thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, chấn thương tâm lý ở trẻ em vùng bão lũ có thể rất nghiêm trọng và có tác động về cả chiều rộng và chiều sâu.
Ngay sau thiên tai, trẻ thường trải qua khó khăn đầu tiên về mặt thể lý như nhu cầu ăn uống, nhu cầu an toàn. Tiếp theo là những khó khăn về mặt tâm lý như sự sợ hãi, lo âu và rối loạn giấc ngủ, khiến trẻ cảm thấy bất lực và không an toàn. Nếu tình trạng này được hỗ trợ kịp thời, chấn thương tâm lý có thể chưa được hình thành và sẽ không để lại nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, trong trường hợp hoàn cảnh bất ổn kéo dài, không được hỗ trợ, chia sẻ, đặc biệt với trẻ mồ côi, các em có thể hình thành sang chấn tâm lý, nguy cơ dẫn đến lo âu, trầm cảm. Các sang chấn sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt ở trẻ như cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, cơ thể..., tác động tiêu cực đến khả năng xây dựng, duy trì các mối quan hệ, gây khó khăn trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Đặc biệt, sang chấn có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả…
Cục Trẻ em hướng dẫn chăm sóc tâm lý cho trẻ em khi có thiên tai. (Nguồn: Internet) |
Hướng dẫn cha mẹ, người lớn giúp đỡ và cùng trẻ vượt qua sang chấn tâm lý, Cục Trẻ em nhấn mạnh việc trước ảnh hưởng và những nguy cơ do thiên tai ảnh hưởng đến trẻ em, các em cần được ưu tiên sự an toàn về thể chất của trẻ em và hỗ trợ y tế ngay lập tức cho trẻ em bị thương; ưu tiên cung cấp cho trẻ nước uống sạch, thực phẩm an toàn và giữ ấm ban đêm; ưu tiên cung cấp nước uống và môi trường nuôi dưỡng an toàn cho bà mẹ nuôi con nhỏ đang trong giai đoạn bú mẹ để đảm bảo trẻ tiếp tục được bú sữa mẹ; cố gắng đặt trẻ ở nơi an toàn, yên tĩnh để tránh trẻ bị lạc hoặc mất ngủ do môi trường đông người; hướng dẫn trẻ xem tin tức vì trẻ nhỏ có thể sợ hãi, sợ hãi trước những cảnh tượng được tái hiện trên màn hình tivi; khuyến khích trẻ em bày tỏ sự quan tâm đến các nạn nhân vùng thiên tai một cách tốt nhất, không khuyến khích trẻ làm những việc vượt quá khả năng của mình; khuyến khích, lắng nghe trẻ kể về trải nghiệm, cảm xúc bên trong khi gặp thảm họa, khuyến khích trẻ kể về nỗi sợ hãi của mình; giúp trẻ hiểu rằng sợ hãi, sợ hãi là những phản ứng cảm xúc bình thường và để trẻ khóc, bày tỏ nỗi buồn…
Đặc biệt, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần nhắc nhiều lần để trẻ ghi nhớ rằng các em luôn được yêu thương, được chăm sóc để trẻ không bị tổn thương lần nữa; cố gắng được các thành viên trong gia đình hoặc những người quen thuộc khác chăm sóc, tạo cho trẻ một môi trường sống quen thuộc càng sớm càng tốt và giữ cả gia đình ở bên nhau nhiều nhất có thể; khôi phục thói quen hàng ngày của trẻ càng sớm càng tốt; xử lý căng thẳng của bản thân và điều chỉnh cảm xúc kịp thời. Khi cảm xúc ổn định, sự tự tin mạnh mẽ và thái độ tích cực với cuộc sống sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn, theo Cục Trẻ em.
Kênh VTV3, chương trình “An toàn cho con” bắt đầu phát sóng chùm phim đặc biệt gồm 10 tập về chủ đề phòng, chống thiên tai. Qua các tập phim, khán giả được cung cấp kiến thức về gió lốc, các biện pháp ứng phó khi gió lốc xảy ra (tập phim “Những cơn lốc”), hiểu về sấm sét, cách phòng tránh khi có sấm, sét (tập phim “Ngọc Hoàng nổi giận”); phân biệt được lũ và ngập lụt, những việc cần chuẩn bị trước khi lũ, ngập lụt xảy ra (tập phim “Câu chuyện ngàn đời”)... Đây là năm thứ hai liên tiếp, các tập đặc biệt về phòng, chống thiên tai được xây dựng với sự đồng hành, phối hợp của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT và UNICEF Việt Nam, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.