'Gieo mầm' hy vọng cho người khuyết tật

Ông Phạm Việt Hoài, CEO của Kym Việt là một người khuyết tật đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ. (Nguồn: Kym Việt)
Ông Phạm Việt Hoài, CEO của Kym Việt là một người khuyết tật đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ. (Nguồn: Kym Việt)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người khuyết tật đang gặp nhiều khó khăn về việc tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động. Không có nguồn thu nhập ổn định khiến họ có cuộc sống bấp bênh, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Vì vậy, đã có những cá nhân, tổ chức thấu hiểu, gieo mầm hy vọng hỗ trợ người khuyết tật có công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

Tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

Anh Nguyễn Ngọc Quyến (44 tuổi) sinh sống ở Thái Bình là một tấm gương vươn lên từ mất mát, gây dựng sự nghiệp và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Được biết, anh Ngọc Quyến trước đây là một công nhân viên bình thường như bao người khác. Biến cố bất ngờ ập đến cuộc đời anh vào năm 2005, khi đang công tác ở Sơn La. Phần chân của anh bị thương tổn nặng, nhiều lúc, anh tưởng như mình không thể qua khỏi.

Nhờ có bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ, anh được đưa đến Bệnh viện Việt Đức để khám, chữa bệnh, anh qua khỏi cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục. Nhưng anh mãi mãi mất đi đôi chân của mình.

Anh Quyến trở về nhà, trở thành người khuyết tật vận động, anh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Thời gian đầu, anh sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của bố mẹ và người thân trong gia đình. Anh từng tâm sự đã có lúc cảm thấy rất tủi thân. Nhưng nhờ bạn bè, gia đình động viên anh Quyến dần thích nghi với hoàn cảnh. Đây là thời gian anh bắt đầu nuôi ý chí để sống có lý tưởng, không phụ tấm lòng bố mẹ và những người thân yêu.

Nước ta hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.

Vài năm sau, anh kết hôn với người vợ hiện tại và có một đứa con đầu lòng. Mặc dù gia đình nhỏ rất hạnh phúc, nhưng áp lực về kinh tế đè nặng lên đôi vai anh. Anh Quyến bắt đầu làm nhiều công việc khác nhau. Anh đi vay mượn bạn bè mua được một chiếc xe máy 3 bánh để mưu sinh. Lúc đầu, anh đã đi khắp các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định để nhập hoa quả về bán. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên số hoa quả anh nhập về bị dập nát, không bán được, số tiền lãi thu về chẳng đáng là bao. Sau thất bại, anh không nản chí, tiếp tục tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thị trường và quyết định chuyển sang buôn bán bánh đa và các mặt hàng khô. Thời gian đầu, do chưa có thương hiệu nên anh phải đi đến tận ngõ ngách của các huyện, các xã để chào và giao hàng.

Anh Nguyễn Ngọc Quyến đã truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người khuyết tật. (Nguồn: Báo Lao động)

Anh Nguyễn Ngọc Quyến đã truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người khuyết tật. (Nguồn: Báo Lao động)

Sau khi đã có kinh nghiệm, anh Quyến cùng một số người dân mở xưởng sản xuất bánh đa khô tại nhà. Tuy cơ sở không to nhưng từ những ngày đầu mở ra, xưởng của anh được rất nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ. Sau một thời gian đi vào hoạt động, do số lượng công việc nhiều, công xưởng của anh Quyến đã mở rộng máy móc và tuyển thêm lao động làm việc.

Những người lao động anh tuyển dụng rất đa dạng, có những người bình thường, khỏe mạnh, có cả những người khuyết tật. Dù là ai, chỉ cần có chí cầu tiến anh đều sẵn sàng tận tình chỉ bảo công việc. Mỗi tháng công xưởng của anh Quyến thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng. Hiện tại, xưởng sản xuất bánh đa của anh Quyến tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có khoảng 7 lao động là người khuyết tật với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Bản thân anh đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Hưng Hà. Anh thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực động viên tinh thần cho những người cùng cảnh ngộ.

Thay đổi cái nhìn của xã hội về người khuyết tật

Câu chuyện thứ hai thuộc về ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KymViet. Sự thành công, tính cách táo bạo, mạnh mẽ của ông Hoài đã viết nên những câu chuyện cổ tích. Góp một phần vào việc thay đổi định kiến của xã hội đối với người khuyết tật.

Từ nhỏ ông sinh ra trong một gia đình gia giáo, hạnh phúc. Đến năm 7 tuổi, tai nạn ập đến khiến ông vĩnh viễn tổn thương cột sống, mất đi đôi chân. Mặc dù trở thành người khuyết tật, nhưng ông Hoài vốn thông minh, lanh lợi. Ông nhanh chóng hòa nhập, vui chơi cùng bạn bè.

Nhờ lối sống lạc quan, tích cực, ông Hoài được mọi người yêu mến, xóa tan rào cản về người khuyết tật. Đến năm 18 tuổi, ông cùng bạn bè “khởi nghiệp”. Ban đầu ông và bạn bè mở một quán photocopy, nhưng doanh thu không cao. Ông lại kêu gọi bạn bè hùn vốn chuyển sang đầu tư vào một cơ sở đúc hàng rào bê tông theo công nghệ mới. Công việc thuận lợi nên sau vài năm, ông đã có tiền tỷ trong tay. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ông nhận ra không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm chủ cuộc sống của mình như ông. Chính vì vậy, ông Hoài đã bắt đầu tìm kiếm thị trường, đầu tư vào những lĩnh vực mới để hỗ trợ những người khuyết tật như ông.

Đến cuối năm 2013, ông cùng hai người bạn quyết định thử sức với việc mở công ty sản xuất thú nhồi bông chất lượng cao. Mục tiêu hàng đầu của ông lúc bấy giờ là tạo việc làm cho người khuyết tật còn khả năng lao động, thông qua đó giúp họ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, ngay từ đầu ông và các cộng sự đều xác định thành lập Kym Việt là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi hỗ trợ từ thiện.

Người khuyết tật đang là một nhóm yếu thế cần được hỗ trợ để có công việc làm phù hợp, nâng cao chất lượng đời sống. (Nguồn: HTV)

Người khuyết tật đang là một nhóm yếu thế cần được hỗ trợ để có công việc làm phù hợp, nâng cao chất lượng đời sống. (Nguồn: HTV)

Mặc dù xác định tạo kế sinh nhai lâu bền cho người khuyết tật, tuy nhiên, quá trình chào mời, bán hàng, tuyển nhân viên của ông Hoài cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các đối tác của ông ban đầu còn định kiến về người khuyết tật. Nhiều khách hàng cho rằng người khuyết tật không thể làm việc được như các công nhân bình thường.

Ngoài ra, vào thời gian đầu, Kym Việt chỉ có vài lao động, đều là người khuyết tật vận động, câm điếc. Tài sản chỉ vọn vẹn 2 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 cái bàn là, hoạt động trong khoảnh sân rộng chừng 5m2 nhà thờ họ của một thành viên công ty.

Đến nay, công ty đã có gần 30 nhân viên, trong đó 25 công nhân là người câm điếc. Thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm thú nhồi bông của công ty rất đặc sắc. Đó là những con vật truyền thống của Việt Nam như con trâu, con voi, con hổ,... được làm tỉ mỉ, thủ công bằng các họa tiết, hoa văn thổ cẩm sinh động. Cũng nhờ vậy, mặt hàng thú nhồi bông của công ty cho đến nay vẫn giữ được sự yêu mến của khách hàng.

Văn hóa công sở tại Kym Việt của ông Hoài vô cùng đặc biệt. Đa phần người làm việc trong công ty đều là người khiếm thính, bên cạnh đó cũng có sinh viên đến làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vì có cùng hoàn cảnh, nên các nhân viên trong công ty rất đoàn kết, họ coi nhau như người thân trong gia đình.

Ngoài tiền lương, các nhân công sẽ được hỗ trợ phí đi lại, ăn uống. Mặc dù mức lương 4 triệu/tháng không quá cao so với những lao động bình thường, nhưng những người khuyết tật lại vô cùng trân trọng đồng tiền họ tự làm ra. Đây là một kế sinh nhai hỗ trợ cho cuộc sống của họ.

Thực tế, công ty của ông Phạm Việt Hoài, anh Nguyễn Ngọc Quyến đã góp phần làm thay đổi định kiến của xã hội về người khuyết tật. Cho thấy nghị lực sống mạnh mẽ, năng lực, trí tuệ của người khuyết tật hoàn toàn có thể đóng góp, truyền cảm hứng sống mạnh mẽ đến mọi người.

Năm 1996, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 51/95 công bố ngày 16 tháng 11 là Ngày Quốc tế Khoan dung. Hành động này diễn ra sau khi các quốc gia thành viên của UNESCO thông qua Tuyên bố về Nguyên tắc khoan dung vào ngày 16 tháng 11 năm 1995. Qua đó, Tuyên bố khẳng định rằng khoan dung không phải là buông thả cũng không phải là thờ ơ. Đó là sự tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa trên thế giới của chúng ta, các hình thức thể hiện và cách làm người của chúng ta. Sự khoan dung thừa nhận các quyền con người phổ biến và các quyền tự do cơ bản của người khác. Con người vốn đa dạng; chỉ có lòng khoan dung mới có thể bảo đảm sự tồn tại của các cộng đồng hỗn hợp ở mọi khu vực trên thế giới.