Bộ Công Thương vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực (TTĐL) Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Quyết định do Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký.
Theo văn bản trên, TTĐL Quảng Trạch có công suất 2.400 MW, gồm Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Quảng Trạch 1 công suất 2x600 MW và NMNĐ Quảng Trạch 2 với công suất 2x600MW. Cũng theo Quyết định này, TTĐL Quảng Trạch được bổ sung 80ha đất thuộc khu dân cư 1,2,3 thôn Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).
Sau điều chỉnh, tổng diện tích TTĐL Quảng Trạch rộng 540ha, trong đó có 330,5ha diện tích đất liền và 210ha diện tích mặt nước biển. Diện tích đất bổ sung dùng để làm kho chứa than, khu vực trộn than, nghiên cứu để sử dụng cho các mục đích phù hợp khác, đảm bảo hiệu quả.
Trước mắt, EVN sẽ được xem xét việc sử dụng phương án chất nạo vét khi thi công cảng nhập than và đê chắn sóng để san gạt, đảm bảo mặt bằng TTĐL theo thiết kế.
Ngoài ra, EVN cũng được bổ sung, nâng cấp tuyến đường hiện hữu từ Khu Kinh tế Hòn La vào TTĐL làm đường thi công, vận hành, có chiều dài khoảng 2.450m, chiều rộng 10m. Khu nhà ở công nhân viên vận hành các nhà máy của TTĐL đã được phê duyệt có diện tích 11,95ha ở xã Quảng Phú.
Quyết định cũng nêu rõ, căn cứ vào phê duyệt đã được điều chỉnh, EVN phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện bồi thường, di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng cho diện tích thực hiện TTĐL Quảng Trạch; thực hiện triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TTĐL và 2 nhà máy phù hợp với quy hoạch điều chỉnh…
Nhiệt điện Quảng Trạch đặt tại vùng ven biển Quảng Đông (Quảng Bình) là một trong những dự án có vị trí đắc địa nhất từ trước đến nay của EVN |
Trước đó, PLVN đã có bài “EVN lo sốt vó vì Nhiệt điện Quảng Trạch vỡ tiến độ”, nội dung đề cập việc EVN đã thu xếp đủ nguồn lực tài chính để đầu tư dự án trên, với tổng vốn thu xếp được là 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thoả thuận được với Ngân hang TMCP Ngoại thương Việt Nam, thì EVN lại vướng chuyện giải phóng mặt bằng khi cư dân thuộc xã Vĩnh Sơn không đồng ý di dời để thực hiện dự án.
Lãnh đạo EVN đã từng bày tỏ lo lắng, nếu không thi công san gạt mặt bằng để kịp bàn giao cho nhà thầu thi công Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 thì mục tiêu khởi công xây dựng dự án đúng tiến độ là khó khả thi. Trong khi đến nay, thời điểm đưa các nhà máy ở TTĐL Quảng Trạch vào vận hành đã chậm khoảng 2 năm so với tiến độ đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.
Như vậy, sau hơn 2 năm nhận bàn giao Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, giờ là lúc hội đủ các điều kiện cần thiết để EVN có thể chính thức khởi công dự án tại một vị trí có thể nói là đẹp và thuận tiện nhất trong số các dự án từ trước đến nay của Tập đoàn này.