Bởi vậy, cần thiết phải có những giải pháp cũng như cơ chế phòng ngừa hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề trên. Nhưng công việc này nên bắt đầu từ đâu?. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân trao đổi xung quanh vấn đề này.
Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, tình trạng lạm dụng quyền lực ở những cán bộ có chức, có quyền đã dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thời gian vừa qua, đáng tiếc, có không ít cán bộ, đảng viên đảm nhiệm những vị trí cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở các cấp, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, đến mức phải xử lý kỷ luật Đảng và đưa ra truy tố, xét xử theo pháp luật. Thực sự đây là một thực tế quá đau xót.
Xem xét các vụ việc, chúng ta thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng có một câu hỏi khá day dứt: Công tác kiểm tra, giám sát ở các tổ chức đảng như thế nào mà những cán bộ, đảng viên có chức vụ cao, ở những vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng, nhiều khi là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, lại có thể trượt dài trên các khuyết điểm mà không được cảnh báo, nhắc nhở, xử lý kịp thời từ lúc mới phát sinh các dấu hiệu sai phạm?
Có thể có hai khả năng: Một là cấp ủy thiếu sâu sát, không quản lý được cán bộ đảng viên, không chấp hành nghiêm các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, hoặc còn biểu hiện e dè, nể nang, buông xuôi trong hoạt động kiểm tra, giám sát; không thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát hoặc nếu có kiểm tra, giám sát cũng mang tính hình thức, không đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ, đảng viên, không chỉ ra những thiếu sót, tồn tại để đảng viên khắc phục, không cảnh báo kịp thời các sai phạm có thể xảy ra. Thứ hai, có thể chính các cán bộ, đảng viên này tự đặt mình ra khỏi các quy định của Điều lệ Đảng, xa rời nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thiếu tự giác, thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm, tự phê bình và phê bình kém…
Loạt bài “Giám sát quyền lực đối với đảng viên có chức vụ - Để con voi không chui lọt lỗ kim” trên báo PLVN. |
Thủ tiêu đấu tranh sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường
- Thưa Trung tướng, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong hoạt động kiểm tra, giám sát nói riêng, có nhiều vụ việc ủy ban kiểm tra cấp tỉnh tiến hành kiểm tra nhiều lần mà không phát hiện được, chỉ đến khi Trung ương về kiểm tra thì mới ra vấn đề. Vậy nguyên nhân này do đâu?
- Đúng là chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa đồng đều ở các cấp, có cảm nhận ở Trung ương thì sôi động hơn, hiệu quả hơn nhiều ở cấp tỉnh, thành phố. Ở các cấp dưới, đặc biệt ở cơ sở, nhiều tổ chức đảng có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn hạn chế, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tha hoá quyền lực trong nội bộ Đảng. Nhiều người cho rằng, ở Trung ương nhờ có Tổng Bí thư chỉ đạo trực tiếp và cụ thể nên Ủy ban kiểm tra Trung ương đã vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, xác minh, làm rõ được nhiều vụ việc bức xúc liên quan đến đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, chứng tỏ kỷ luật của Đảng ta là nghiêm minh và tự giác, không có vùng cấm, củng cố được niềm tin của nhân dân.
Không thể phủ nhận một thực tế là ở nhiều địa phương, đơn vị, cấp ủy chưa chủ động nắm tình hình, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra...Tính chiến đấu, tính hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Cấp ủy và bản thân người đứng đầu cấp ủy hoặc coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát, hoặc tiến hành công tác kiểm tra, giám sát không thực chất.
Có thể do nhận thức, có thể do trình độ, cũng có thể vì một động cơ nào khác, ủy ban kiểm tra của các cấp ủy đã tự đánh mất vai trò của mình. Nhiều cấp ủy không muốn phô cái xấu ra, chỉ thích nêu thành tích. Tôi cho rằng, trong tổ chức sinh hoạt đảng cũng như trong hoạt động kiểm tra, giám sát, nếu thiếu dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào thiếu sót, khuyết điểm, thủ tiêu đấu tranh, đoàn kết hình thức, xuôi chiều… sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.
- Đúng như vậy, trong rất nhiều Nghị quyết, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm...Nhưng vì sao các yếu kém đó chậm được khắc phục, thưa Trung tướng?
- Theo tôi, tất cả là do nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Nếu cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ cũng như chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp uỷ nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; có bản lĩnh, có dũng khí, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này thì mới có kết quả. Vừa qua, chúng ta thấy nhờ có Bộ Chính trị và Tổng Bí thư quan tâm chỉ đạo, đồng chí Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương trực tiếp chỉ đạo, nên đã tổ chức kiểm tra làm rõ một số vụ việc vi phạm gây bức xúc, liên quan cả đến một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và xử lý nghiêm minh về Đảng và cả bằng pháp luật, được đảng viên và nhân dân đồng thuận cao.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên. |
Cần kiểm tra đột xuất ở những nơi có vấn đề “nổi cộm”
- Hiện nay, tư tưởng đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát được triển khai trong toàn Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu ngành kiểm tra của đảng phải chủ động đề suất các giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo Trung tướng, cần những giải pháp nào để hạn chế những yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ?
- Tôi cho rằng muốn tạo chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát phải tập trung thực hiện đồng bộ và toàn diện 4 nhóm giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để chủ động và góp phần tích cực hơn nữa thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng. Bên cạnh đó phải kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực được trao cho các tổ chức và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần chủ động và quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng theo chương trình, kế hoạch để mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng đều được kiểm tra, giám sát từ khâu xây dựng ban hành, quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần kiểm tra đột xuất ở những nơi có vấn đề “nổi cộm” có nhiều dư luận, nhất là ở những nơi có vấn đề về công tác cán bộ, tha hoá quyền lực, tham nhũng, lãng phí.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế của Đảng theo định hướng đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; xây dựng các phương pháp kiểm tra, giám sát mới, nhất là đối với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tha hoá quyền lực, tham nhũng…
Tổ chức bộ máy kiểm tra cấp ủy các cấp cần được củng cố kiện toàn và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra các cấp về phẩm chất, năng lực đủ sức thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này: phải lựa chọn, sắp xếp, bố trí những con người có bản lĩnh, có dũng khí, có trình độ, năng lực và phương pháp làm việc đúng vào cơ quan kiểm tra của các cấp ủy, vì đây là nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp.
-Trân trọng cám ơn Trung tướng!