Dường như ngay lập tức, nhiều tờ báo đã liên hệ với ông này để làm rõ thông tin trên và ông cũng lập tức phủ nhận, coi đó “đồn đoán tào lao” nhưng đồng thời thừa nhận ngôi nhà đó là của mình và tỏ ý muốn báo cáo chính quyền để cơ quan chức năng làm rõ chuyện này.
Còn nhớ, dạo trước Tết Âm lịch, Đà Nẵng cũng rộ lên tin đồn các cựu Chủ tịch bị khởi tố và khám xét và báo giới cũng vào cuộc tìm hiểu, vị cựu Chủ tịch vừa bị bắt trong tuần lúc đó cũng khẳng định rằng đó chỉ là “đồn đoán thất thiệt”. Tuy nhiên cho đến giờ những đồn đoán đó lại trở thành sự thật phũ phàng đối với những người từng phủ nhận nó.
Trên thực tế đã xảy ra không ít những tin đồn thiếu căn cứ, gây hoang mang dư luận, bịa đặt ác ý để nhắm vào ai đó và ngược lại, dù chỉ là tin đồn nhưng lại có tính dự đoán với độ chính xác cao, ban đầu là tin đồn, sau đó là sự thật. Vấn đề là ở chỗ xử lý “khủng hoảng tin đồn” như thế nào để dư luận khỏi “hoang mang” cũng như đảm bảo được danh dự của những người thực sự trong sạch.
Xử lý tin đồn cần kịp thời nhưng tránh vội vã, chưa kiểm tra, xem xét cụ thể mà đã vội khẳng định đó là “bịa đặt ác ý” thì chỉ làm tin đồn trở nên đáng tin cậy hơn mà thôi. Kịp thời, thận trọng và cũng cần công khai, công khai chính là cách tốt nhất để dập tắt tin đồn dù có thật hay bịa đặt. Hai vụ tin đồn ở Thanh Hóa xảy ra ở hai thời điểm khác nhau và cách xử lý nó là một ví dụ, có thể rút ra được bài học cho việc xử lý tin đồn.
Những điều âm ỉ trong dư luận thường bộc phát bằng tin đồn. Với các phương tiện truyền tải thông tin ngày nay thì không thể giấu kín hoặc ém nhẹm được những gì khuất tất. Bởi vậy, lại càng phải kịp thời và công khai.
Trở lại câu chuyện trên, hẳn nhiều người muốn cái nhà thuộc quyền sở hữu của ông Giám đốc Công an là tài sản chính đáng của ông. Và, làm rõ việc này càng sớm, càng tốt không chỉ cho bản thân người bị đồn đoán mà còn tốt cho cả xã hội.