Hoạt động khó và dễ va chạm
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định số 124-QĐ/TW (ngày 02/02/2018) của Ban Bí thư “về giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” đã nêu rõ: Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân, chúng ta đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 (tháng 12/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã chỉ rõ: Quá trình kiểm tra, giám sát cũng cho thấy dù đã được quán triệt nhiều nhưng vấn đề tự soi, tự sửa vẫn còn hạn chế, khó khăn. Nếu các sai phạm của đảng viên không được phát hiện sớm từ tổ chức cơ sở đảng, từ cấp ủy đảng, từ chính bản thân cán bộ đó, mà chỉ được phát hiện từ cơ quan chức năng thì vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, có một phần từ sự lúng túng, thụ động trong quá trình giám sát; nhận thức của cán bộ Mặt trận và đối tượng được giám sát, của cấp ủy, chính quyền còn nhiều biểu hiện chưa đúng, chưa đầy đủ; năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế. Đặc biệt, do giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là giám sát không chế tài, ràng buộc trách nhiệm, nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao... Đây chính là những vấn đề cấp bách đặt ra để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát đối với cán bộ, đảng viên, từ đó phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh báo các vi phạm, khuyết điểm từ sớm, từ xa, giảm thiểu được cán bộ vi phạm.
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Thừa nhận công tác giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là “hoạt động khó và dễ va chạm”, nhưng bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, MTTQ Việt Nam các cấp đã nỗ lực tổ chức triển khai và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Người giám sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, so với yêu cầu thực tế đặt ra, hiệu quả giám sát vẫn chưa cao, vẫn còn một số hạn chế khó khăn nhất định như: vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số kiến nghị của Nhân dân kéo dài chưa được giải quyết; một số địa phương chưa triển khai thực hiện hoặc đã tổ chức triển khai thực hiện nhưng hiệu quả không cao, một số nơi tổ chức giám sát còn hình thức. Việc thể chế hóa các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức...
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy đảng nơi đảng viên công tác và cấp ủy đảng nơi đảng viên cư trú trong việc quản lý, kiểm tra, đánh giá đảng viên. Đồng thời cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh, trình độ, kỹ năng, đặc biệt kỹ năng giám sát, kỹ năng thu thập xử lý, phân tích thông tin để kịp thời phản ánh, phối hợp xử lý những vấn đề bất cập, khó khăn ở địa phương, cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò của Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong tham gia giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vì thế cán bộ Mặt trận các cấp khi tiến hành giám sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, không né tránh, không ngại va chạm kể cả đó là người đứng đầu cấp ủy hay chính quyền.
Có thể nói, hoạt động giám sát nói chung và giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi vậy, công việc này cần bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề bức xúc, những kiến nghị mà Nhân dân quan tâm, đồng thời phát huy giám sát của Nhân dân trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc giải quyết những kiến nghị qua giám sát; nếu cần thiết, có thể tiếp tục tái giám sát những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng để làm rõ trách nhiệm, tạo niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan giám sát và giải quyết sau giám sát.