Đề xuất phân cấp trong công tác giám định
Ngoài tình trạng trên thì nhiều loại việc trong một số lĩnh vực giám định mà địa phương không giám định được như xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ... Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám định ở cấp Trung ương, góp phần gây quá tải cho tổ chức đó và làm kéo dài thời gian làm giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành liên quan như Công an, Y tế, Quốc phòng đã tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn các giải pháp như tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giám định viên. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, nhiều quan điểm thẳng thắn cho rằng, tình trạng quá tải ở cấp Trung ương là do Luật Giám định tư pháp hiện hành không có quy định về phân cấp. Nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp nhưng bị khống chế bởi thời gian hoàn thành giám định. Bởi thế, cần bổ sung quy định về phân cấp theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương trưng cầu ở Trung ương, địa phương thì trưng cầu ở địa phương.
Qua nghiên cứu, dự án Luật đã dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 Luật hiện hành theo hướng: Đối với giám định lần đầu, người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện giám định. Trường hợp nội dung cần giám định lần đầu vượt quá năng lực, điều kiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương thì người trưng cầu giám định trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương khác có đủ điều kiện hoặc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở cấp Trung ương thực hiện. Người trưng cầu giám định ở cấp Trung ương trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở cấp Trung ương thực hiện.
Sẽ quy định linh hoạt, mềm dẻo
Quá trình lấy ý kiến đóng góp vào quy định phân cấp trưng cầu và thực hiện giám định cho thấy có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định phân cấp như dự án Luật là không phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng vì việc lựa chọn cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện giám định tư pháp là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đồng tình, nên có quy định phân cấp việc trưng cầu và thực hiện giám định bởi thực tế thời gian qua, có nhiều vụ việc không phức tạp, các cơ quan, tổ chức ở địa phương có đủ năng lực để thực hiện giám định nhưng cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương vẫn trưng cầu giám định các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Điều này đã gây nên quá tải cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Quy định như dự thảo là “linh hoạt”, “mềm dẻo” về phân cấp thực hiện giám định mà vẫn bảo đảm quyền năng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lựa chọn cơ quan, tổ chức thực hiện giám định khi phân cấp.
Đồng thời, các ý kiến đề nghị chỉnh lý lại việc phân cấp trưng cầu và thực hiện giám định theo nguyên tắc: Với giám định lần đầu, cơ quan, người tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện trưng cầu các tổ chức, người giám định ở cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Trường hợp đặc biệt, phức tạp, vượt quá năng lực, điều kiện giám định của tổ chức, người giám định ở địa phương thì trưng cầu cơ quan ở Trung ương. Trường hợp trưng cầu địa phương khác thì chỉ giám định lần đầu. Với giám định lại thì phải ở cấp cao hơn.
Các góp ý hợp lý cơ bản đã được Bộ Tư pháp tiếp thu, chỉnh lý. Riêng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, không phân cấp trưng cầu và thực hiện giám định, Bộ Tư pháp lý giải: một số bộ, ngành chủ quản lĩnh vực giám định như tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông… có kiến nghị, đề xuất là cần có quy định mang tính nguyên tắc trong việc phân cấp trưng cầu và thực hiện giám định để khắc phục tình trạng do thiếu cơ sở pháp lý dẫn đến rất nhiều cơ quan tiến hành tố tụng không trưng cầu các tổ chức, người giám định ở địa phương để phục vụ kịp thời cho yêu cầu giải quyết án, mà đổ dồn trưng cầu về cấp Trung ương dẫn đến quá tải, Trung ương lại phải phân về cho địa phương theo từng vụ việc, dẫn đến tốn kém thời gian, công sức, chi phí không cần thiết. Do đó, theo Bộ Tư pháp, dự thảo Luật được bổ sung quy định về phân cấp trưng cầu giám định mang tính nguyên tắc chung, linh hoạt, mềm dẻo mà không làm hạn chế quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng khi lựa chọn cụ thể cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.