Việc mở rộng không gian tích nước ngọt mùa mưa lũ đang là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL, nhất là giảm diện tích sản xuất lúa thu đông để xả lũ lấy nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Giảm phù sa, gia tăng độ mặn
Mực nước sông Cửu Long giảm sâu vào mùa khô càng làm gia tăng độ mặn và tái nhiễm mặn ở một số vùng đất. Độ mặn tăng kéo theo độ chua giảm (pH tăng) qua quá trình sử dụng.
Việc các nước thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến “địa tầng” đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua. Đó chính là nguồn “dinh dưỡng” phù sa nằm lại ở các đập thủy điện, không thể về đến đồng bằng. Tình trạng sạt lở lan rộng, xu hướng sụt lún nghiêm trọng ở bán đảo Cà Mau là những hệ lụy trước mắt.
Chỉ tiêu về độ mặn ở ĐBSCL có xu hướng tăng, trong khi nguồn dinh dưỡng của đất trong lúa 1 vụ, 2 vụ, 3 vụ đều có xu thế giảm do bị rửa trôi trong quá trình rửa mặn. Cùng với sự tăng lên về diện tích đất mặn, đất trồng lúa nói chung của vùng ĐBSCL cũng có xu hướng mặn hơn.
Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mê Kông, trước đây, ĐBSCL có lượng phù sa 26 triệu tấn mỗi năm thì nay chỉ còn lại 7 triệu tấn, kèm theo đó là hiện tượng xói lở bờ sông. Những nguy cơ này khiến ĐBSCL thiệt hại lên đến 1 tỷ USD/năm và gây ra thảm họa về toàn vẹn đa dạng sinh thái.
Số liệu tập hợp từ năm 1975 và nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho thấy, đến năm 2005, diện tích nhóm đất mặn đã tăng lên 177.000 ha. Đến tháng 4/2016 ĐBSCL đã có 193.000 ha đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi mặn.
Tình trạng nhiều nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, phân bố không đều theo cả không gian và thời gian, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước… đã đặt ra những thách thức lớn, áp lực nặng nề từ nhiều năm qua nhất là trong đại hạn hiện nay đang thôi thúc việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chiến lược giữ và điều tiết tài nguyên nước phù hợp, hiệu quả cho miền Tây phát triển bền vững.
TS. Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, từ các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đang cho thấy một nguy cơ mà ĐBSCL phải đối mặt đó là kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Với những thiệt hại do hạn, mặn gây ra thì việc áp dụng mô hình “Công nghệ sinh thái trên lúa tôm” cho bà con nông dân là rất cần thiết nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cũng như góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái cho đồng ruộng.
Phải có “quy hoạch nước”
Hệ thống thủy lợi xây dựng theo yêu cầu “kiểm soát lũ”, “quản lý lũ” để trồng lúa 3 vụ đã bộc lộ bất cập trước yêu cầu đón lũ, tích nước (lũ lớn thì xả, lũ nhỏ thì đóng để giữ nước cho mùa kiệt), tiếp nhận phù sa (tái hồi phục độ phì nhiêu cho đất), điều tiết nguồn nước linh hoạt trong điều kiện thời tiết cực đoan, sự tác động khó lường từ đầu nguồn, đặc biệt xu hướng hạn hán đang hình thành quy luật (4 năm lặp lại).Việc mở rộng không gian tích nước ngọt mùa mưa lũ đang là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL.
“Vấn đề hiện nay là thiếu nước để cân bằng sinh thái” - TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết. Giải quyết vấn đề này phải ưu tiên mở rộng không gian tích trữ nước trong mùa mưa lũ tại đầu nguồn đủ điều tiết cân bằng sinh thái trong vùng đặc biệt là mùa kiệt cần được tính toán thấu đáo.
“Cần áp dụng giải pháp quy hoạch đô thị “dành chỗ cho nước”. Phải có một “quy hoạch nước”. Phải chủ động hơn nữa trong việc kết hợp với quy hoạch thủy lợi/tưới tiêu. Phải xác định được các vùng chứa nước, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với quy luật tự nhiên và có tính chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát nguồn nước” - TS.KTS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, khi tham kiến về quy hoạch phát triển đô thị ở miền Tây thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, yêu cầu phục hồi khả năng tích trữ gần 20 tỷ khối nước ngọt tại đầu nguồn trong mùa mưa lũ để cung ứng cho toàn vùng, đặc biệt là hạ nguồn trong mùa kiệt - mà PGS. Gerado van Halsema (chuyên gia Hà Lan) cho rằng “đã bị mất do việc xây dựng hệ thống đê bao cải tạo đất trồng lúa 3 vụ tại tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười” cần phải được thực thi.
Cùng với đó là khôi phục không gian trữ nước đầu nguồn thì không gian trữ nước trong mùa mưa lũ trên đồng ruộng, kênh mương, ao hồ, các khu đất ngập nước ở vùng giữa, giáp mặn để chủ động nguồn nước nội vùng và góp phần điều tiết tăng cường độ dòng chảy nước ngọt về phía ven biển trong mùa kiệt, giảm bớt mặn xâm nhập sâu về phía thượng nguồn cũng cần được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh sản xuất phù hợp.