Đại hội của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới ghi nhận những ý kiến đóng góp cho sự phát triển Hiệp hội nói riêng và bình ổn thị trường vàng nói chung. Những nghị định và chính sách mới sẽ đi vào thực tiễn thế nào?. Ông Đặng Xuân Huy – Phó Tổng giám đốc VietABank - người vừa được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhiệm kỳ III (2012-2016) – Phụ trách Ban Chính sách trao đổi liên quan đến vấn đề này.
Ông Đặng Xuân Huy. |
Thưa ông, song song với thời điểm diễn ra đại hội của Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng là lúc Thông tư Số 12/2012/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông Tư số 11/2011/TT-NHNN về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn vàng của tổ chức tín dụng. Dưới góc độ của một ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh vàng, ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
Song song với đại hội này thì Thông tư 12 ban hành một số điểm sửa đổi về việc chấm dứt huy động vàng được điều chỉnh đến hết ngày 25/11/2012, cũng theo giới chuyên môn thì đây là một động thái hoàn toàn phù hợp với thực tế lĩnh vực huy động và kinh doanh vàng hiện nay. Giải pháp phải bắt nguồn từ thực tế! Thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng, các ngân hàng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn vàng vàng trong dân – Đây là một trong những chính sách đang được Ngân hàng Nhà nước hướng đến.
Mặt khác, người dân cũng có nhiều thuận lợi trong việc mua bán, nếu không mang về nhà thì họ có thể đưa nguồn vàng đến nơi an toàn bằng cách gửi vào ngân hàng. Với một ngân hàng đang nằm trong Top dẫn đầu về huy động và kinh doanh vàng như VietABank thì chúng tôi cũng có thêm thời gian cho việc thu hút nguồn vốn lớn này, đồng thời chuẩn bị cho những hoạt động thay đổi tốt hơn khi việc gia hạn chấm dứt.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ được áp dụng vào ngày 25/05 tới đang là tâm điểm của xã hội, với vai trò là thành viên Ban Chính sách của Hiệp hội, Đại biểu Quốc hội, ông có thể đánh giá những thuận lợi và khó khăn gì từ việc ban hành chính sách này?
Sự ra đời của Nghị định cũng đánh dấu một bước tiến mới của Chính phủ trong những nỗ lực để bình ổn thị trường vàng. Rõ ràng, khi nghị định này đi vào thực tiễn, việc mua bán vàng của các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng sẽ tốt hơn, đặc biệt những ngân hàng vốn có thế mạnh về vàng từ lâu như VietABank. Vì đa số các doanh nghiệp và tiệm vàng không đủ điều kiện để cấp phép sẽ kiến cho số lượng vàng và người dân giao dịch với ngân hàng sẽ gia tăng. Quan trọng là sẽ hạn chế được tình trạng làm giá, cạnh tranh không lành mạnh như trước đây.
Có thể nói, đây là quá trình “thanh lọc” các kênh kinh doanh vàng và nhằm kiểm soát thị trường vàng tốt hơn. Riêng VietABank thì luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa thì việc mua bán vàng miếng có thể gặp một chút trở ngại nếu mạng lưới hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng được cấp phép chưa đến được những nơi này. Đối với Ngân hàng Việt Á, chúng tôi đã có chính sách triển khai rộng khắp toàn hệ thống các điểm giao dịch mua bán vàng miếng để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của người dân.
Ông vừa được bầu vào Ban chấp hành Hiệp Hội kinh doanh vàng Việt Nam, VietABank sẽ có những hoạt động gì để phát triển Hiệp hội cũng như hỗ trợ các hội viên?
Với vai trò đại diện cho Ngân hàng Việt Á – một hội viên của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, phụ trách Ban Chính sách, đồng thời, với vai trò là Đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói của ngành vàng, tôi cùng các cộng sự sẽ tham mưu, đối thoại với các ngành chức năng quản lý việc kinh doanh vàng nói chung. Cũng như tôn chỉ của Hiệp hội, Ban chính sách sẽ góp phần xây dựng ngành vàng của Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Chúng tôi đã và đang cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của mình được các hội viên giao phó. Tất nhiên, dưới góc độ của VietABank là hội viên tích cực, chúng tôi luôn đưa ra những sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường và hỗ trợ các hội viên trong lĩnh vực kinh doanh được xã hội chú ý nhiều này.
Anh Phương (thực hiện)