Đầu năm 1933, ngay sau khi được lên làm Thủ tướng Cộng hòa Đức, Hitler đã cùng với các cộng sự thân tín tìm cách dẹp bỏ những người của phe cộng sản, dập tắt những “ngọn lửa” âm ỉ đang tồn tại để độc chiếm quyền lãnh đạo nước này thông qua lực lượng cảnh sát mật đặc biệt Gestapo.
Thanh trừng
Để thực hiện “giấc mơ quyền lực”, một mặt Hitler đưa ra thông điệp: Xây dựng một chính phủ thông qua sự thiết lập lại sự thống nhất về tư tưởng và ý chí của nhân dân Đức. Hitle thể hiện sự tôn trọng pháp luật nhằm đạt lợi ích bầu cử vào ngày 5/3/1933.
Tuy nhiên, Hitle vẫn lo sợ thất bại. Vì vậy, Hitle đã chỉ đạo cho Goering, Ủy viên nội vụ phụ trách lực lượng cảnh sát, thanh lọc kỹ lực lượng này. Những viên chức cộng hòa đã bị loại trừ hoặc bị đối xử lạnh nhạt, thay vào đó là những đảng viên Quốc xã. Đây chính là lực lượng chủ yếu để Hitler bảo vệ bầu cử và phát triển thành đơn vị Gestapo khét tiếng tàn ác nhất thế giới.
Có một sự kiện đáng chú ý là, ngày 4/3/1933, Chính phủ Đức ban bố sắc lệnh “bảo vệ nhân dân”, ngăn cấm các cuộc họp “có thể phá rối trật tự công cộng”. Tiếp đó, ngày 9/3, bộ máy cảnh sát bắt đầu hoạt động. Hàng loạt cuộc khám xét nhà ở đảng viên Cộng sản và những người lãnh đạo các đảng đã diễn ra ở khắp nơi trên nước Đức.
Chúng dựng lên những vụ khám xét vũ khí đạn dược và thu được tài liệu “chứng tỏ” âm mưu định gây ra những vụ cháy ở các tòa nhà công cộng. Những vụ bắt bớ, bắt cóc cùng tăng. Bọn lính S.A tra tấn, ám sát những người chống đối mà chúng đã lên danh sách từ mấy năm trước.
Sau sự kiện tòa nhà Quốc hội bị đốt, radio đã phát tin: “Bọn Cộng sản đã đốt trụ sở Nghị viện”, sắc lệnh “Luật khẩn cấp ngày 28/2” để “bảo vệ nhân dân và nhà nước” được ban hành. Ở Berlin diễn ra các vụ bắt bớ.
Cảnh sát, S.A và S.S chia nhau làm các công việc lục soát, chất vấn, nhốt người tình nghi trên các xe camion, giam họ trong nhà tù lớn. Những động thái này đã giúp Hitler và Đảng Quốc xã thu được tới 52% số phiếu trong bầu cử. Quyền lực ở Đức lúc này hoàn toàn rơi vào tay bọn Quốc xã.
Tiến hành xong nhiệm vụ “trấn áp cộng sản”, thực hiện mưu đồ của Hitler, ngày 26/4/1933, Goering đã ban bố sắc lệnh xây dựng lực lượng cảnh sát bí mật của nhà nước với tên gọi là “Die Geheime Staats Polizei” (Gestapo), đặt tổ chức này dưới quyền của Bộ trưởng Bộ nội vụ Phổ mà Goering nắm giữ.
Ở Đức, từ Geheime có nghĩa là “mật” cũng có nghĩa là “riêng tư”. Tóm lại, lực lượng cảnh sát ấy là bí mật thì nó cũng có nghĩa là “riêng” cho đảng, và cũng cho “một người”.
Gestapo - ác mộng trong lòng nước Đức
Đồng thời với thành lập Gestapo, cũng ngày hôm đó, Chính phủ của Hitler đã ban hành sắc lệnh thành lập văn phòng cảnh sát nhà nước ở các quận của Phổ, phụ thuộc vào cơ quan cảnh sát Trung ương ở Berlin. Từ đó, Gestapo cũng hạn chế, chỉ đặt một nhóm nhỏ ở mỗi quận, nhưng quyền hạn của Gestapo ở Phổ thì vô cùng lớn.
Sau khi thành lập, theo thói quen, lực lượng này vẫn viết trên thư tín là “Gestapo” và chỉ trong vài ngày cái tên đó đã nổi tiếng về sự khủng khiếp. Bắt đầu từ tháng 7, Gestapo đã ghi điểm khi phá vỡ hoạt động bí mật của Đảng cộng sản, bắt giữ John Scheer, thành viên trong ban bí thư.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ bí mật, Gestapo cũng gửi các tù nhân đến gần 40 trại tập trung do lực lượng S.A quản lý. Các trại này nhốt đến 40.000 hay 50.000 “kẻ thù của Tổ quốc”. Tại đây, các tù nhân bị đối xử rất tàn bạo. Điều này đã khiến Bộ trưởng Bộ tư pháp Gurtner phải kêu với Hitler. Ông ta viết: “Những tù nhân bị đánh đập bằng roi vọt và các dụng cụ tra tấn khác, đến bất tỉnh, mà không có một lý do nào để bắt bớ, đánh đập họ”.
Để giữ kín hoạt động ngầm bảo vệ Đảng Quốc xã và chính phủ của Hitler, Gestapo đề ra những nguyên tắc hoạt động hết sức khốc liệt. Các công việc đều phải bí mật; hết sức bí mật; chỉ có người chỉ huy mới biết những “công việc bí mật” và cuối cùng là “công việc bí mật của Quốc xã”.
Tại các phòng làm việc của Gestapo đều treo tấm biển nhỏ ghi hàng chữ: “Anh chỉ được biết đến người nào làm việc với anh. Và khi anh đã biết người đó, hãy giữ bí mật riêng cho mình”. Nếu không tuân thủ nguyên tắc của Gestapo, thì dù có xuất sắc cũng phải chết. Có chuyện là, một viên chức của Gestapo đã bị xử bắn chỉ vì tội tiết lộ cho một nhân viên của Gestapo khác về công việc anh ta đang làm.
Trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hitler ban bố một quy tắc đặc biệt: Những người giữ quyền hạn bí mật của nhà nước “dưới bất cứ lý do nào, có tham dự vào những hoạt động nghiệp vụ không được để kẻ địch bắt làm tù binh, mà phải tự xử ngay”.
Chính vì thế mà các nhân viên của Gestapo không bao giờ phải ra mặt trận. “Mệnh lệnh số 1 cho tất cả những người có trách nhiệm trong quân đội và các cơ quan hành chính” ra ngày 23/5/1939 ghi rõ: Không được biết đến những công việc bí mật không thuộc thẩm quyền của mình, không được tiết lộ công việc hết sức cần thiết của mình cho người khác biết; Không được tìm hiểu những lý do buộc anh phải làm phận sự đó, không được chuyển sang làm công việc khác, khi được lệnh phải làm tròn một công việc cần thiết.
Gestapo gieo thần chết khắp châu Âu
Trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai, Gestapo là một công cụ đắc lực để Hitler và bộ máy chính quyền phát – xít Đức thanh trừng những kẻ có mưu đồ xấu, không làm tròn bổn phận. Chúng bắt nhân dân Đức phải câm lặng suốt 12 năm, mặc cho lương tâm của họ đã trỗi dậy trước những hành động tra tấn của Gestapo ở các trại tập trung.
Không chỉ dừng lại ở đó, trước và trong khi diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Gestapo đã vươn “cánh tay ma quỷ” đến các nước Châu Âu. Chính nhờ có Gestapo mà những thống kê, những danh sách mở ra ở khắp nơi đã khuấy động một khối lớn người bị vây dồn như con mồi, bị treo cổ, tra tấn cực hình, bị làm nô lệ hay bị thủ tiêu… đã khiến người dân khắp các nước Châu Âu biết tiếng và ghê sợ Gestapo.
Một phụ nữ Do Thái đã tố cáo hơn 3.000 người khác trong cộng đồng với Gestapo - cơ quan mật vụ phát- xít Đức để gia đình mình thoát chết. |
Trong cuốn sách Lịch sử Gestapo, tác giả Jacques Delarue đã viết: “Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Gestapo mở rộng tầm hoạt động ra nhiều nước ngoài còn chưa bị Đức chiếm đóng, dưới nguyên cớ là để tăng cường chống gián điệp.
Để đảm bảo cho sự vượt trội và mở rộng khả năng kiểm soát ngay từ đầu cuộc chiến tranh, Gestapo đã đưa những người chủ chốt vào tổ chức của Geheime Feld Polizei (G.F.P) - Cảnh sát mật ở nông thôn, dưới sự chỉ đạo của cục O.K.W. Tiếp đó, nhờ những người mà Gestapo đã giới thiệu vào ban cảnh sát mật ở nông thôn, chúng đã tuyển được hơn 5.000 người vào làm việc cho Gestapo. Nhưng thực chất ở thời điểm này, số nhân viên của Gestapo chỉ đạt khoảng 32.000 người.
Tác giả Jacques Delarue đã viết thêm trong cuốn sách Lịch sử Gestapo: “Vào thời kỳ mà Gestapo hoạt động tích cực nhất, nghĩa là vào mùa xuân năm 1944, thì các đơn vị Gestapo hoạt động ở ngoài nước có 25 ban chính, 65 cơ sở và những chi nhánh của 300 cơ sở và 850 đồn cảnh sát biên phòng (Grenz Polizei)”.
Theo biên bản của tòa án Nuremberg sau này, tên Kaltenbrunner, kẻ kế tục Heydrich cho biết, con số người thường trực Gestapo đã lên tới từ 35.000 đến 40.000 vào cuối năm 1944. Và qua sự luận tội của tòa án Nuremberg, thì số người làm việc của cơ quan này lên tới 45.000 đến 50.000 người. Nhưng con số này có thể coi là đúng vì Gestapo đã tuyển mộ trong quý II năm 1944 thêm nhiều người cho những bộ phận và các tổ chức khác nữa.
Như vậy, với nhiều chiêu trò khác nhau, Hitler và những tên phát – xít đã dựng lên Gestapo làm công cụ củng cố quyền lực, đàn áp những người chống chế độ Đức Quốc xã, khủng bố, bắt giữ những người Do Thái. Một trong những tội ác điển hình của Gestapo là trực tiếp tham gia thảm họa diệt chủng Holocaust trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thủ tiêu người Do Thái tại các khu biệt cư.
Ví dụ như tại Ba Lan, để thực hiện âm mưu “Đức hóa Ba Lan” của Hietler, Frank, trùm Gestapo của Đức tại nước này đã nói: “Chúng tôi phải tống cổ bọn Do Thái ra khỏi nơi chúng tôi thấy cần thiết.” Để làm việc này dễ dàng, chúng đã lập một trại hủy diệt ở Auschwitz gần Cracovie. Trại này nằm ở giữa một đầm lầy độc hại là nơi hàng triệu người Do Thái đã bị thủ tiêu trong 5 năm liền.
Gần trại Auschwitz có thêm hai trại mới thành lập ở Maidanek và Treblinka. Như vậy, Hitler đã giúp cho “thần chết” Gestapo gieo cơn ác mộng ở khắp châu Âu, trở thành một trong những đội quân tàn ác nhất thế giới..