Nhiều doanh nghiệp hủy đơn hàng
2 mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch và xếp hàng chờ xuất bán sang Trung Quốc là dưa hấu và thanh long. Đáng chú ý, thủ phủ thanh long (Bình Thuận) hiện nay lại không bị thiệt hại nặng nề do dịch cúm mà vùng đất miền Tây Long An mới đang là địa bàn hứng chịu nặng nề nhất.
Báo cáo của Hiệp hội Thanh long Long An cho thấy, từ ngày 27-31/1/2020, một số khách hàng Trung Quốc đã hủy các đơn hàng thu mua thanh long ước tính khoảng 500 container (15 tấn/container) với giá dao động từ 40.000-50.000đ/kg dù các DN này đã hỗ trợ 4.000đ/kg cho các kho nhưng vẫn quyết định không lấy hàng, bất chấp thiệt hại tiền đặt cọc trước đó.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An ước tính, hiện nay, hàng đang vào vụ thu hoạch, sản lượng toàn tỉnh khoảng 3.000 tấn. Dự tính, trong tháng 2/2020, tiếp tục thu hoạch khoảng 20.000 tấn thanh long. Như vậy lượng tồn kho sẽ rất lớn.
Hiệp hội đã thống nhất với các nhà kho giảm giá thu mua xuống mức 10.000đ/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, thương lái và nhà vườn. Tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho và lượng hàng thu hoạch quá lớn so với sức chứa của các kho nên một số nhà kho đã phải đóng cửa, không tiến hành thu mua.
Theo đại diện Sở Công Thương Long An, hiện nay khoảng 80% tổng sản lượng thanh long của tỉnh tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, 20% còn lại xuất sang Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Úc... và tiêu thụ trong nước. Nhưng dịch cúm nCoV không chỉ gây ảnh hưởng thương mại đến thị trường Trung Quốc mà còn ở thị trường thứ ba khác.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi mới bắt đầu có dịch, Bộ Công Thương đã tìm cách tiêu thụ lượng nông sản ùn ứ không thể xuất khẩu (XK) do dịch cúm. Tính đến nay 6 hệ thống phân phối lớn đã vào cuộc và cam kết thu mua nông sản đang ùn ứ do khó khăn trong XK để tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đàm phán với các tỉnh biên giới để sớm mở các cặp chợ đường biên để mở cửa XK hàng hóa. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện nay là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường chế biến nông sản sau thu hoạch để hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Giải cứu… khó xuể
Chiều 5/2, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo cho phép việc vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới nhằm tạo thuận lợi thương mại, không làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, tạo cho sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Hơn 200 container “om hàng” từ ngày mùng 2 Tết có cơ hội giải phóng. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ Công Thương vẫn lưu ý các Sở Công Thương khuyến cáo DN không nên tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu mà tìm cách tiêu thụ trong nước.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các địa phương, các hệ thống siêu thị kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế XK sang các nước lân cận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Hiện tại hệ thống siêu thị Big C đã đưa các mặt hàng thanh long, nông sản lên quầy kệ với giá bán không lợi nhuận để có thể cùng nhân dân cả nước hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con miền Tây và miền Trung. Theo đó, tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được Big C bán với giá chỉ 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây từ được bán với giá 10.900 đồng/kg; dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết: “Big C tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ hỗ trợ bà con nông dân tại một số địa phương như Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang... Dự kiến Big C sẽ tiêu thụ khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại giúp bà con nông dân sớm ổn định tình hình và người tiêu dùng có sản phẩm ngon, chất lượng với giá tốt nhất do đây đều là những mặt hàng đạt chuẩn XK”.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã cam kết sẽ tiêu thụ dưa hấu, thanh long trong đợt này với mức tiêu thụ khá lớn. Dự kiến mỗi siêu thị ngoài Bắc sẽ tiêu thụ ít nhất 5 tấn, tổng lượng hàng có thể tiêu thụ ngoài Bắc thấp nhất 50 tấn, còn miền Nam lượng tiêu thụ lớn hơn, lên đến vài trăm tấn/loại để giúp bà con sớm ổn định trở lại.
Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ tại 2 hệ thống lớn nhất cả nước này cũng không đáng kể gì so với lượng hàng tồn kho của 2 loại nông sản nêu trên. Câu chuyện tiêu thụ nông sản mùa vụ lại một lần nữa nhắc nhở Việt Nam cần phải gia tăng giá trị cho nông sản Việt, cần phải tiến tới tái cơ cấu mạnh mẽ để bớt đi hiện tượng giải cứu vẫn đang xuất hiện hàng năm.