Liên bộ Công thương - Tài chính vừa phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 920 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 30.230 đồng/lít và xăng RON 95 là 31.570 đồng/lít.
Như vậy, đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng đã lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 31.500 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 23/5 vừa qua.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh tăng khá mạnh. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn với xăng 100-500 đồng/lít, trích dầu 100-300 đồng/lít/kg.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hết quý I Quỹ bình ổn xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Tại một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm quỹ như: Petrolimex âm 15 tỷ đồng ngày 23/5; PVOil âm hơn 1.012 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng cao tác động lên lạm phát, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để bình ổn, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá cả xăng dầu tăng cao. Ông đề nghị cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn 2 biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu.
Đại biểu TP HCM cho rằng cần giảm các loại thuế với giá xăng dầu. Bởi nếu không hạ nhiệt giá xăng sẽ dẫn đến domino tăng giá ở các mặt hàng khác. "Cần nhanh chóng giảm đầu vào cho doanh nghiệp, kiểm soát giá, kiểm soát tình trạng té nước theo mưa, chú trọng bình ổn giá", đại biểu nêu.
Đồng tình, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị cần quan tâm thích đáng tới lạm phát. Chính phủ và chính quyền các cấp cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Bà đề nghị cần sớm giảm giá xăng dầu.
Giá dầu thô thế giới bắt đầu tăng sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay. Trong chu kỳ 30 ngày, giá dầu đã tăng trên dưới 15%.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đang cao hơn khoảng 76%. Các hợp đồng dầu giao tháng 8 cũng dịch chuyển 3,66% đối với loại WTI và 2% đối với với Brent. Hiện hai hợp đồng này đang được giao dịch lần lượt 116,34 USD/thùng và 119,96 USD/thùng.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương cũng đề cập đến vấn đề giá xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu được Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Trong các kỳ điều hành, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến giá thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở cho kỳ điều hành ngày 11/5 so với đầu năm nay biến động tăng từ 50,23% đến 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước cùng giai đoạn này chỉ tăng 25,04 - 46,85%.
Cũng theo Bộ Công Thương, mỗi lít xăng RON 95 (trước kỳ điều chỉnh ngày 23/5) là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,30 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia).
Và với mức giá này, Bộ Công Thương cho biết xăng Việt Nam được bán thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít). Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23% đến 34,07% tùy từng loại.