Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h30 ngày 22/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 80,83 USD/thùng, tăng 0,11 USD/thùng tương đương tăng 1,14%; giá dầu thô Brent giao ở mức 84,46 USD/thùng, giảm 0,34 USD/thùng tương đương giảm 0,40%.
Giá dầu thế giới biến động trong bối cảnh Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô để dự trữ. Giá dầu thô tăng trong nhiều tháng qua bởi sự cân bằng chặt chẽ giữa nguồn cung và nhu cầu cao. Đồng thời, OPEC và Nga cùng lúc cắt giảm sản lượng để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch. Ả rập Xê út cho biết trong tháng này sản lượng của họ sẽ duy trì khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, cắt giảm khoảng 1 triệu thùng cho đến hết tháng 9.
Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp trước những lo ngại về tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu về dầu mỏ, trong khi khả năng Mỹ tăng thêm lãi suất cũng làm lu mờ nguồn cầu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng nay -22/8: Xăng E5 RON 92 không quá 23.339 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 24.601 đồng/lít; Dầu diesel không quá 22.354 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 22.309 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều qua - 21/8 với giá xăng E5RON92 tăng thêm 517 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 608 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 420 đồng/lít ; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 313 đồng/kg. Riêng dầu điêzen 0.05S giảm 71 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; Tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dừng chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut (kỳ trước chi 150 đồng/kg).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.