Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 2/10 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 91,08 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng tương đương tăng 0,32%; giá dầu thô Brent giao ở mức 92,43 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng tương đương tăng 0,25%.
Tuần qua, giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 2 phiên, giảm 2 phiên và 1 phiên đi ngang.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu gần như đi ngang. Giá dầu trong phiên này chịu tác động do lệnh cấm nhiên liệu của Nga được nới lỏng và các nhà đầu tư lo lắng vấn đề lãi suất tăng cao có thể hạn chế nhu cầu.
Tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu đi lên trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu đã tăng gần 1%. Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này là sự tăng vọt của đồng USD lên mức cao nhất trong 10 tháng do lãi suất trái phiếu cao hơn đã thu hút các nhà đầu tư hướng tới loại tiền tệ này.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục kéo sang phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Ở phiên này, giá dầu tăng mạnh, tới 3%, sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu. Trong phiên này, giá dầu Brent có thời điểm đã lên 97,69 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, còn giá dầu WTI chạm mức 95,03 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Sang phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu bất ngờ giảm khoảng 1% do các nhà giao dịch chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng và trong bối cảnh còn nhiều lo ngại rằng lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Đà lao dốc kéo dài sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Ở phiên này, giá dầu giảm mạnh do các nhà đầu tư chốt lời và do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,2 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 90,79 USD/thùng. Còn tính trong cả quý III năm nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 30% do việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Việc giá dầu thô thế giới giảm cùng với giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore 10 ngày qua cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, cập nhật dữ liệu đến hết ngày 29/9, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường tham chiếu Singapore lao dốc. Theo đó, xăng RON95 về 103,14 USD/thùng, xăng E5 RON92 về 98,33 USD/thùng, dầu diesel 125,12 USD/thùng, dầu hỏa 123,52 USD/thùng và dầu mazut 529,92 USD/thùng.
Từ dữ liệu giá xăng dầu nhập khẩu trên, giá xăng dầu bán lẻ trong nước dự báo sẽ giảm vào kỳ điều chỉnh chiều nay (2/10). Cụ thể, giá xăng có thể giảm khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít, các loại dầu giữ nguyên hoặc giảm nhẹ khoảng 200 đồng/lít, tùy loại.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có phiên điều chỉnh giảm đầu tiên kể từ tháng 7 đến nay. Trong 8 phiên điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã tăng tới 7 lần, giữ nguyên 1 lần. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang ở mức: Xăng E5 RON 92 không quá 24.197 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 25.748 đồng/lít; Dầu diesel không quá 23.594 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 23.816 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.847 đồng/kg.