Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 2/8:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,50-57,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/8. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,50-57,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/8. Chênh lệch giá mua - bán vàng 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,45-57,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 30.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/8. Chênh lệch giá mua – bán vàng 1,45 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.809 USD/ounce, giảm 4,8 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.050), tương đương 50,80 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6,42 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm do giới đầu tư thận trọng trước báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần. Theo ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, thị trường đang lo ngại về số liệu bảng lương phi nông nghiệp mạnh hơn, điều này sẽ làm cho đồng USD tăng.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế dự báo số việc làm phi nông nghiệp sẽ tăng 926.000 trong tháng 7. Báo cáo dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu (6/8). Sự lành mạnh của thị trường lao động là điều kiện tiên quyết quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định việc giảm các biện pháp kích thích tiền tệ.
Trước đó, chủ tịch Jerome Powell cho biết còn lâu cho tới thời điểm tăng lãi suất và thị trường việc làm vẫn còn cần phục hồi thêm. Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.