Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 28/6:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,50-57,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 28/6. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 520.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,58-56,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 30.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 28/6. Chênh lệch giá mua - bán vàng 370.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,55-57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 28/6. Chênh lệch giá mua – bán vàng 450.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.775,70 USD/ounce, giảm 5,8 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.120), tương đương 50,02 triệu đồng/lượng. Thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm do đồng USD đi lên và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục giảm thêm. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ tăng 0,15%, lên mức 91,99 điểm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm về chỉ còn 1,519%.
Tuy nhiên, theo giới phân tích thị trường, các nhà đầu tư vàng vẫn đang giữ tâm lý nghe ngóng và chờ đợi các diễn biến mới.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin kinh tế quan trọng của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 và các số liệu về tiêu dùng, doanh số bán hàng của Mỹ.
Các chuyên gia dự báo rằng, nền kinh tế Mỹ có thể tạo thêm 675 nghìn việc làm trong tháng 6 và nếu các chỉ số kinh tế thực tế tốt hơn dự báo có thể sẽ tác động tiêu cực khiến giá vàng tiếp tục đi xuống.