Theo thống kê của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Sách, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 2.500 lồng đang nuôi cá trên sông. Trong đó, 30% số lồng có cá đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 1.500 tấn cá thương phẩm.
Các loại cá nuôi chủ yếu là cá trắm giòn, chép giòn, diêu hồng và cá lăng. Các lồng cá tập trung nhiều ở các xã Nam Tân, Thái Tân, Nam Hưng, Thanh Quang, Cộng Hòa, An Bình...
Hiện nay, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều nhà hàng tiêu thụ cá bị đóng cửa, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, thu mua cá của thương lái gặp nhiều khó khăn. Giá cá thương phẩm liên tục sụt giảm, trong khi giá thức ăn tăng cao khiến các hộ nuôi cá lồng trên sông có nguy cơ thua lỗ.
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Cường (SN 1969) là chủ hộ nuôi cá tại xã Thái Tân chia sẻ, hiện nhà anh đang có 26 lồng cá, lượng cá đến độ xuất bán có khoảng 20 tấn.
Nhưng do giá bán quá thấp nên anh vẫn chưa muốn bán. Theo anh Cường. thời điểm hiện nay, có loại cá giảm tới 20 - 30% giá như cá diêu hồng ngày trước bán khoảng 50- 52.000 đồng/1kg nay chỉ còn 28-30.000 đồng/1kg; các loại cá khác cũng giảm từ 10-20k/1kg. Tính ra, mỗi tấn cá bị giảm từ 10 -20 triệu đồng.
Trong khi đó, giá thức ăn cho cá lại tăng cao, trước đây khoảng 315.000 đồng/1 bao cám, giờ tăng đến 375.000-385.000/1 bao tương đương khoảng 20-25%.
Anh Cường cho biết, nếu bán cá thời điểm này, gia đình anh sẽ bị lỗ nặng. "Chúng tôi đang cố cầm cự giữ đàn cá chờ khi bớt dịch với hy vọng thị trường hoạt động trở lại, giá cả ổn định hơn mà cũng chưa biết có thể cầm cự được bao lâu" – Chủ lồng cá lo lắng nói.
Theo anh Cường ở địa phương, không phải ai cũng có điều kiện giữ được đàn cá để chờ được giá vì còn phụ thuôc vào tiềm lực tài chính của mỗi hộ.
"Phần lớn các hộ nuôi cá ở đây phải vay vốn ngân hàng nên chúng tôi đang rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng như hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất tiền vay, gia hạn thời gian đáo hạn cho bà con..." - anh Cường chia sẻ thêm.
Anh Trần Văn Viết là một trong những hộ nuôi cá lồng ở xã Thái Tân cho biết, nhà anh còn khoảng chục tấn cá chép giòn, xung quanh nhà anh mỗi nhà đều còn một vài chục tấn, nhà nhiều có thể lên tới năm chục tấn.
Nguyện vọng của bà con nơi đây là được được các cấp lãnh đạo địa phương xúc tiến giúp việc tiêu thụ và mong ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất.
|
Được biết, trước tình hình tiêu tiêu thụ cá gặp khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và lãnh đạo huyện Nam Sách đang tìm giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng quy trình cấp mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thích ứng với tác động của dịch bệnh COVID-19.
Ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) cho biết, Nam Sách là địa phương có một số ca nhiễm Covid-19 trong đợt dich thứ tư vừa rồi nên việc tiêu thụ cá lồng gặp nhiều khó khăn. Gần đây, UBND huyện Nam Sách đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về số lượng và chất lượng cá lồng của huyện để tìm đối tác giúp bà con tiêu thụ.
Các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách đi kiểm tra khu vực nuôi cá tại huyện Nam Sách. |
"Ngoài các đối tác đã có trước đây, nhờ việc tuyên truyền đã có thêm một số đối tác mới. Tuy nhiên số lượng cá còn tồn khá lớn nên chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ giúp bà con đỡ vất vả, rất mong phía ngân hàng nhà nước hỗ trợ lãi suất cho bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Lâm chia sẻ thêm.