Xăng vừa bất ngờ tăng giá xong, nay giá sữa tiếp tục “đến hẹn lại tăng” lại khiến người tiêu dùng điêu đứng vì nó “động” trực tiếp đến túi tiền của nhiều người. Từ 1-8, một số hãng sữa sẽ điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thêm 10%- 15% tùy loại, có loại tăng giá đến gần 20%... như hãng Dutch Lady tăng 6.000 đồng/thùng sữa. Cụ thể, thùng sữa (40 hộp) dung tích 180 ml/hộp là 291.000 lên 297.000 đồng/thùng, thùng sữa loại 110 ml/hộp là 191.000 lên 197.000 đồng/thùng.
Đây là lần thứ 5 tính từ đầu năm đến nay giá mặt hàng này được điều chỉnh tăng. Câu chuyện các hãng sữa tăng giá tuy không mới nhưng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng vì sữa đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp bình ổn thị trường sữa thì những lỗ hổng trong việc quản lý khiến mặt hàng nhạy cảm này vẫn vô tư tăng giá.
Giá sữa tăng khiến người tiêu dùng bất bình |
Điều lạ là trong khi giá nguyên liệu sữa không tăng, giá sữa ở các nước vẫn bình ổn thì giá sữa ở Việt Nam không những không giảm mà lại liên tục tăng. Tăng vô tội vạ. Động thái trên khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao giá sữa tại Việt Nam lại “mặc sức tung hoành”? Vấn đề nghiêm trọng không phải ở con số bao nhiêu %, cũng không phải là đợt tăng giá thứ bao nhiêu, mà ở chỗ, kể từ khi có Luật Giá, cơ quan quản lý chưa thể quản lý nổi giá sữa.
Trong khi các hãng sữa tại Việt Nam liên tiếp tăng giá bán thì tại nước láng giềng Trung Quốc, khi cơ quan chức năng vừa quyết định tiến hành điều tra hành động thao túng giá của một số doanh nghiệp thì ngay lập tức giá sữa bột tại thị trường Trung Quốc đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm.
Tại Việt Nam, có đến 4 cơ quan Nhà nước được phân công quản lý mặt hàng sữa là: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Bộ KH - CN chịu trách nhiệm về chất lượng; Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) kiểm soát về giá; Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có nhiệm vụ hậu kiểm các loại sữa lưu hành trên thị trường… Đầu tháng 4 vừa qua, người tiêu dùng đã khấp khởi khi các bộ, ngành tuyên bố vào cuộc bình ổn giá sữa, nhưng đến nay vẫn phải hứng chịu sự tăng giá vô lý của thị trường này. Người tiêu dùng không bao giờ được biết nguyên nhân thực sự của việc tăng giá dù trên thực tế giá bán sữa ở Việt Nam đang gấp đôi giá vốn. Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa.
Trước những diễn biến như nói trên ở hai thị trường Việt Nam và Trung Quốc, đã đến lúc cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc, không thể thờ ơ với một sản phẩm nhạy cảm như sữa, mà cần vào cuộc kiểm tra và đưa giá sữa về đúng như giá trị của nó. Không phải là quá khó nếu thực sự có trách nhiệm với người dân.
Theo ANTĐ