Sau nhiều ngày nghỉ Tết, nhịp sống và làm việc bình thường đã trở lại. Tuy nhiên, trên thị trường cả nước, giá cả của nhiều mặt hàng vẫn giữ mức cao…
Hà Nội: Sức mua thấp
Tại Hà Nội, sau Tết Nguyên đán, giá thực phẩm tươi sống trên địa bàn vẫn đứng ở mức cao, tương đương với thời điểm trước Tết và cao hơn từ 15% – 20% so với ngày thường. Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Bưởi, Thành Công, Nghĩa Tân... cho thấy, tiểu thương bán hàng trở lại tương đối đông, tuy nhiên phần lớn là rau xanh còn hàng thực phẩm tươi sống vẫn chưa nhiều.
Các tiểu thương cho biết: Do người dân dự trữ hàng thực phẩm tươi sống dịp Tết còn nhiều nên sức mua sau Tết tập trung vào rau xanh. Từ mùng 10 trở đi, sức mua thực phẩm tươi sống mới tăng mạnh như trước.
Sức mua thấp, lượng hàng ít nhưng giá thực phẩm tươi sống trong thời điểm này vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, giá cá trắm 90 nghìn đồng/kg, thịt bò 330 nghìn đồng/kg, ngao 30 nghìn đồng/kg; thịt lợn thăn và sườn thăn 120 nghìn đồng/kg; thịt lợn mông 100 nghìn đồng/kg...
Riêng mặt hàng rau xanh có chất lượng tốt, chủng loại phong phú và giá bán ra ở mức bình ổn. Giá 1 kg bắp cải là 10 nghìn đồng, cải cúc 2.500 đồng/mớ, cần 5000 đồng/mớ, su hào 2.500 đồng/củ, cải xanh 2.000 đồng/mớ, cà chua 10 nghìn đồng/kg... Giá cả sau Tết Nguyên đán cao là hiện tượng thường xảy ra ở các năm. Các tiểu thương cho rằng, thường là sau rằm tháng Giêng, khi cung – cầu đã cân bằng, giá cả mới có thể "hạ nhiệt".
Tăng kỷ lục giá cá điêu hồng
Sau Tết, giá cá điêu hồng thương phẩm nuôi lồng bè ở Tiền Giang tăng kỉ lục, mở ra cơ hội cho nghề nuôi cá điêu hồng hồi phục trở lại sau thời gian điêu đứng vì tin đồn và giá cá liên tục sụt giảm. Hiện thương lái thu mua cá điêu hồng thương phẩm tại bè với giá 38.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000- 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước, là mức giá kỉ lục trong vài năm trở lại đây.
Với mức giá trên, mỗi bè cá cho sản lượng khoảng 6 tấn, người nuôi cá điêu hồng lồng bè ở Tiền Giang có thể thu lãi khoảng 60 triệu đồng/bè.
Theo các chủ bè cá, giá cá điêu hồng tăng trở lại là do sản lượng cá cung cấp cho thị trường ở thời điểm này khan hiếm, đồng thời nhu cầu tiêu thụ cá của người tiêu dùng sau Tết tăng mạnh. Hiện chỉ có một số chủ bè “liều lĩnh” thả nuôi sau thời gian treo bè mới có sản phẩm để cung cấp cho thị trường.
Cà Mau: Không còn sốt giá
Những ngày đầu Xuân, tại thị trường Cà Mau giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản đang dần ổn định trở lại. Các mặt hàng như: tôm khô, cá khô đồng, cá khô biển, thịt lợn, thịt gia cầm… không còn sốt giá như thời điểm trước Tết. Dạo quanh các chợ đầu mối ở thành phố Cà Mau, các quầy, cửa hàng đã đồng loạt khai trương, không khí mua bán rất nhộn nhịp.
Tại các khu chợ bán cá đồng lúc nào cũng đông người mua, vì sau Tết cá đồng thiên nhiên dần khan hiếm, nên người bán mặc sức đẩy giá tăng cao gấp hai lần so với những ngày trước Tết. Giá cá lóc 120.000-140.000 đồng/kg, cá dầy 140.000-160.000 đồng, cá rô mề 140.000-150.000 đồng/kg, cá sặc rằn 90.000-110.000 đồng/kg.
Các loại cá đồng khác như cá trê vàng, cá chạch, cá thác lác… giá cũng tăng cao. Chị Nguyễn Thị Kiều, phường 8, thành phố Cà Mau cho biết: Giá cá đồng tăng cao nhưng tôi vẫn mua vì nhu cầu thay đổi bữa ăn sau những ngày Tết thường xuyên sử dụng thịt lợn, thịt gia cầm.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời đang tập trung cải tạo ao, đầm nuôi cá đồng để thay thế cho nguồn cung cá đồng thiên nhiên ngày càng khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, cá đồng nuôi chất lượng thua kém xa so với cá đồng thiên nhiên nên giá bán chỉ bằng một nửa.
Kim Trí Thuận