“Thanh minh trong Tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” - Tết Thanh minh xuất hiện trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đủ để cho thấy nguồn gốc lâu đời của ngày Tết này. Từ lâu, Thanh minh đã trở thành ngày Tết thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.
Thanh minh là từ Hán Việt, có nghĩa là trời trong sáng, là lễ tảo mộ. Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và được người phương Đông coi là một lễ tiết. Theo ước lệ, Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 1 - 20/4 dương lịch (khoảng tháng 3 âm lịch). Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Gia đình tề tịu Tết thanh minh thắp hương người thân đã khuất sau tháng ngày giãn cách. |
Tết Thanh minh là Tết tảo mộ, nhưng lại mang không khí vui tươi. Theo truyền thống, đại gia đình đầy đủ các thành viên sẽ cùng ra mộ viếng thăm người thân đã khuất của mình. Với tâm trạng vui vẻ, mọi người đều có thể cười đùa xung quanh mộ. Ngày Tết Thanh minh không có chỗ cho sự u buồn hay đau xót, mà tất cả mọi người đều cùng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất với thái độ kính cẩn, mong cho người đã khuất an nghỉ thanh thản và người còn sống lạc quan hướng tới tương lai phía trước.
Trong ngày này, mọi người cũng thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về người thân đã khuất của mình. Trẻ nhỏ được theo người lớn ra nghĩa trang thăm mộ tổ tiên, nhắc nhở con cháu, để con cháu biết về nguồn gốc của mình. Và rồi, cả nhà cùng ăn bữa cơm gia đình ấm cúng.
Các gia đình xúc động khi được tự tay lau chùi, thắp hương mộ phần người đã khuất. |
Tết Thanh minh năm nay trong tiết trời ấm áp, Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) nhộn nhịp với những chuyến xe đưa đoàn khách gia đình để đi tảo mộ phần khuôn viên mộ của mình. Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng chia sẻ: "Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong tháng 3 âm lịch. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó, các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ".
Bà Nguyễn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi xúc động: “Cuối năm trước, khi dịch COVID-19 căng thẳng, gia đình tôi ngậm ngùi tảo mộ người chồng đã khuất của tôi bằng hình thức online. Tháng 3, tiết trời ấm áp, lại vãn dịch bệnh, đại gia đình tôi gồm 3 thế hệ: bà, bố mẹ, các cháu thuê xe ô tô 29 chỗ đi tảo mộ chồng tôi. Ngay từ sáng sớm, cả gia đình tôi đã có mặt ở đồi Mộc. Người lớn chuẩn bị đồ cúng lễ. Các cháu tôi còn nhỏ, được bà và bố mẹ hướng dẫn đã tự tay lau chùi mộ phần của ông nội. Cả nhà cùng sum họp, dâng mâm cỗ chay, khấn lễ tưởng nhớ đến đáp công ơn người đã khuất. Đây là ngày lễ rất quan trọng để con cháu đời sau nhớ về nguồn gốc tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người gắn hết hơn, đoàn kết với nhau hơn. Thấy chồng, con, cháu tề tịu đông đủ, chắc chồng tôi ở dưới suối vàng cũng thấy ấm lòng”.
Cũng như bà Thu Trang, anh Nguyễn Văn Hùng 45 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) rưng rưng khi tự tay lau chùi mộ, thắp hương cho người vợ không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Được trực tiếp thăm viếng mộ vợ, anh Hùng cảm thấy yên tâm và thanh thản. Anh cũng mong người vợ quá cố của mình cũng được thanh thản nơi chín suối.