Giá xăng dầu thế giới
Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 74,44 USD/thùng, tăng 0,07 USD/thùng tương đương tăng 0,09%; giá dầu thô Brent giao ở mức 79,11 USD/thùng, tăng 0,88 USD/thùng tương đương tăng 0,89%.
Giá dầu thô tăng trở lại do đồng USD lao dốc khi thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất vào tháng 5 và có kế hoạch hạ nhiệt lãi suất từ tháng 6/2023.
Lãi suất giảm sẽ giảm áp lực chi phí đối với các hoạt động kinh tế cũng như tiêu dùng của người dân, có thể kích thích các nhu cầu đi lại, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô.
Ngoài ra, giá dầu ngày 31/3 cũng được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm 7,5 triệu thùng, vượt xa so với kỳ vọng tăng 100.000 thùng trong cuộc thăm dò của các nhà phân tích của Reuters, và cao hơn so với báo cáo giảm khoảng 6,1 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ (API).
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay (31/3) được áp dụng theo phiên điều chỉnh chiều ngày 21/3 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương:
Cụ thể, tại đợt điều chỉnh này, Liên Bộ điều chỉnh xăng E5 RON 92 giảm 780 đồng/lít, xuống 22.020 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, xuống 23.030 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít còn 19.300 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít xuống còn 19.460 đồng/lít, dầu mazut giảm 800 đồng/lít còn 14.470 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ tiếp tục không sử dụng Quỹ bình ổn giá và giữ nguyên mức trích lập vào quỹ này các mặt hàng, trừ dầu mazut (mức trích lập tăng từ 0 đồng lên 300 đồng một kg).
Như vậy, tính từ đầu năm, giá xăng sẽ trải qua 9 lần điều chỉnh giá, với 5 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.