“Nhà bị cáo thuộc hộ nghèo. Học phí của các con đều được miễn giảm, sao đến nổi phải đi ăn trộm?”. “Bị cáo cần tiền nộp tiền học thêm cho con”. “Bị cáo làm vậy, có nghĩ đến các con mình không? Có thấy tội các con không? Các con bị cáo sẽ nghĩ, tại vì mình mà bố phải đi ăn trộm, rồi phải ở tù. Nếu con nghĩ vậy, bị cáo tính sao. Cuộc đời mình đã cực khổ, phải cố gắng cho con kiếm cái chữ, sau này thay đổi cuộc đời. Nếu đạp xích lô ít tiền, thì đi phụ thợ hồ, chứ sao lại đi ăn trộm?”.
Bị cáo cưới vợ đến nay đã 13 năm. Trong khoảng thời gian ấy, hơn một nửa là bị cáo ngồi trong tù. Từ lúc vợ sinh đứa con đầu lòng, bị cáo đi tù. Rồi sinh đứa thứ hai, bị cáo lại vô tù. Cứ vợ đi sinh, là bị cáo đi tù. Bốn đứa con nheo nhóc, đều do một tay người vợ tảo tần với gánh hàng rong mà nuôi nấng. Tòa bảo bị cáo vô trách nhiệm, ăn rồi cứ đi tù miết. Sau này cưới gả con cái, người ta nhìn vào bị cáo mà đánh giá con cái bị cáo thì tội cho bọn trẻ.
Đột nhập khách sạn giữa đêm khuya
Buổi sáng giữa tháng 11 trời mưa rả rích. Người phụ nữ dắt tay con gái nhỏ lếch thếch đến tòa. Áo quần cả hai mẹ con đều bị nước mưa dính ướt từng mảng. Người mẹ mặc bộ quần áo cũ mèm. Tóc tai xơ xác dính bết vào trán. Gương mặt sạm đen, tai tái vì lạnh. Đứa con gái còn chưa đầy 10 tuổi, áo quần cũng nhàu nhĩ, gầy trơ xương. Cả hai mẹ con đứng nơi hành lang đầy mưa bay, mắt ngóng ra cổng tòa.
Khi chiếc xe rẽ màn mưa xám xịt chạy vào sân tòa án, mắt đứa trẻ lấp la lấp lánh. Người phụ nữ bảo, đứa con gái này của chị rất nhớ cha. Nên hôm nay ra tòa, con bé nhất định nghỉ học cho bằng được để đến đây, chỉ vì muốn nhìn thấy người cha đã mấy tháng không gặp. Đứa con gái lớn 13 tuổi, tuy cũng muốn đến tòa thăm cha, nhưng vì không nỡ nghỉ học, nên đành đến lớp. Hai đứa con nhỏ còn lại thì gửi trẻ cạnh nhà, vì mưa gió, nên chị không nỡ bồng đến tòa.
Chồng chị là Lê Bảo Quốc (34 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), bị cáo trong vụ án “trộm cắp tài sản” do TAND TP Huế xét xử.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hôm đó, khoảng tầm 4h sáng một ngày giữa tháng 7/2017, bị cáo đi bộ đến khu vực khách sạn Hương Giang ở trung tâm thành phố với mục đích trộm cắp tài sản. Bị cáo lặng lẽ leo qua hàng rào, rồi đi sâu vào bên trong tầng 1 khu C khách sạn. Sau một lúc quan sát, bị cáo thấy cửa ban công của phòng số 173 chỉ khép hờ, liền mở cửa, lén lút đột nhập vào trong phòng. Khi phát hiện trên bàn có túi xách, bên trong có ví đựng tiền, bị cáo mở ví lấy trộm 6,3 triệu đồng và 5 đô la.
Trong quá trình bị cáo đột nhập vào khách sạn, hai nhân viên bảo vệ của khách sạn theo dõi qua hệ thống camera an ninh, đã phát hiện và theo dõi hành vi của Quốc. Vì vậy, sau khi chiếm đoạt tài sản, Quốc chưa kịp tẩu thoát ra ngoài, đã bị nhân viên bảo vệ khống chế, bắt quả tang, giao cơ quan chức năng xử lý.
“Điệp khúc” vợ đi đẻ, chồng đi tù
Tòa hỏi bị cáo thấy thế nào về hành vi của mình. Bị cáo nói đã biết sai, và hứa sẽ sửa. “Lần trước bị cáo có hứa không? Lần nào ra tòa, bị cáo cũng hứa hẹn, những sau đó lại tái phạm. Việc giáo dục bị cáo, cứ như thể nói vào tai này, lại ra tai kia. Người ta bảo quá tam ba bận, mà đây đã là lần thứ 4 bị cáo đứng trước vành móng ngựa, chưa kể còn có 2 lần bị xử phạt hành chính. Bị cáo ngồi trong tù bao nhiêu năm rồi bị cáo nhớ không?”.
Bị cáo cúi đầu, đứng lặng yên, như thể suy nghĩ mông lung lắm. Một lúc lâu, tòa hỏi lại, “có nhớ được không?”, lúc này bị cáo mới ngượng ngùng bảo, không nhớ đã ở trong đó bao nhiêu năm. “Bị cáo đã ở trong đó 6 năm 9 tháng”, tòa nhắc.
Vào năm 2004, bị cáo khi đó mới kết hôn, vợ vừa sinh thì bị cáo đi cướp tài sản, rồi bị xử phạt 3 năm tù. Thi hành án xong trở về, mới 1 năm bị cáo lại tiếp tục phạm tội. Lần này, bị cáo bị tòa án TP Huế xử 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản” và 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Tổng hợp 2 mức án là 1 năm 3 tháng tù.
Ra tù chưa được mấy tháng, thì giữa năm 2010, bị cáo tiếp tục gây án, rồi “ngồi” 1 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”. Năm 2014, lại tiếp tục bị xử phạt 2 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”. Ngoài ra, bị cáo còn bị xử phạt hành chính 2 lần vì hành vi “làm nhục người khác” và “vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ”.
Vị hội thẩm nhìn bị cáo đứng khép nép nơi vành móng ngựa mà lắc đầu ngao ngán. Bị cáo đi tù từ lúc vợ bị cáo sinh đứa con thứ nhất. Rồi vợ sinh đứa con thứ 2, bị cáo lại tiếp tục vô tù. “Trách nhiệm làm chồng, làm cha, bị cáo không hề có. Trong lúc vợ sinh đẻ, là bị cáo đi trộm cắp, rồi đi tù. Bị cáo và vợ kết hôn 13 năm, nhưng hơn một nửa thời gian đó, bị cáo đã ở trong tù. Bị cáo có 4 đứa con, phải sống sao cho xứng đáng, để sau này cưới gả con cái người ta không nhìn vào mình mà đánh giá con cái mình, tội cho bọn chúng”.
“Bị cáo đi ăn trộm để làm gì?”, vị hội thẩm hỏi bị cáo. “Bị cáo ăn trộm, lấy tiền về nộp học cho con”. “Nhà bị cáo thuộc hộ nghèo. Học phí của các con đều được miễn giảm, sao đến nỗi phải đi ăn trộm?”. “Bị cáo cần tiền nộp tiền học thêm cho con”.
“Bị cáo làm vậy, có nghĩ đến các con mình không? Có thấy tội các con không? Các con bị cáo sẽ nghĩ, tại vì mình mà bố phải đi ăn trộm, rồi phải ở tù. Nếu con nghĩ vậy, bị cáo tính sao. Cuộc đời mình đã cực khổ, phải cố gắng cho con kiếm cái chữ, sau này thay đổi cuộc đời. Nếu đạp xích lô ít tiền, thì đi phụ thợ hồ, chứ sao lại đi ăn trộm? Bị cáo có nghĩ, lỡ người bị bị cáo trộm, số tiền đó họ cũng dùng để nộp tiền học cho con, hoặc để đóng viện phí cho người thân đang nằm viện, thì có phải bị cáo đã khiến người khác còn lâm vào cảnh cực khổ hơn mình hay không?”.
Đẩy nỗi khổ cho vợ con gánh chịu
Vợ bị cáo ngồi bên dưới, mặt thẩn thờ nhìn chồng. Đây không phải là lần đầu chị đến đây, nhìn bóng lưng chồng nơi vành móng ngựa, nhưng chị kể lần nào cảm giác chua xót cũng như nhau. Có khi, cảm giác buồn đau còn nhiều hơn lần trước. Chồng chị làm nghề đạp xích lô. Còn chị đi bán hàng rong. Cuộc sống khó khăn nên cả hai vợ chồng cùng bốn đứa con, phải sống chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp.
Nghề đạp xích lô ế ẩm, nên chồng chị chẳng kiếm được mấy đồng. Nhưng ít ra có chồng bên cạnh, chị cũng có người đỡ đần, giúp đưa đón con. Giờ chồng đi tù, một mình chị vừa quần quật với mớ hàng rong, tảo tần buôn bán, lại tất bật lo cho đàn con hãy còn nhỏ.
Chị kể, cứ tối tối, đứa con gái lớn sẽ ở nhà trông hai đứa em nhỏ, còn đứa thứ hai sẽ theo chị lê la khắp các hàng quán để bán đậu phộng luộc. Hai mẹ con cứ thang lang qua khắp các con phố như thế, đến lúc rổ đậu bên nách vơi đi, đêm cũng đã khuya lắc khuya lơ, chân cũng mỏi nhừ vì đi bộ. Những ngày khô ráo còn đỡ, chứ những đêm mưa dầm dề, lại lạnh cắt da cắt thịt, nhìn đứa con mới tí tuổi phải theo mẹ ra ngoài mưu sinh, lòng chị thêm tê tái. Chồng bị tạm giam, một tháng bới xách được ba lần, nhưng đến cái ăn cái học lo cho các con, chị còn chật vật, nên mọi thứ tiếp tế cho chồng, chị đều phải nhờ mẹ chồng phụ giúp.
Tòa hỏi vợ bị cáo: “Chồng chị nói đi ăn trộm lấy tiền nộp học cho con, vậy có bàn bạc với chị không?”. Người phụ nữ lắc đầu, bảo không hề biết chồng đi ăn trộm. Tòa nói với vợ bị cáo, phải quản lý chồng chặt vào. “Bị cáo đã lớn rồi, là chồng chị, là cha các con chị. Nhưng chị phải để mắt đến chồng thật kỹ. Đừng để chồng tái phạm nữa, nếu không chị sẽ khổ suốt đời”. Người phụ nữ gật đầu vâng dạ, hai mắt đã đỏ hoe.
Mẹ bị cáo đến tòa, mặt mày rầu rĩ. Đồ “tiếp tế” cho con được bà mang đến tòa hôm nay, chỉ có hơn chục ổ bánh mì không nhân. Năm nay bà đã xấp xỉ tuổi 60, nhưng vẫn còn lặn lội đi làm thuê làm mướn. Từ giúp việc nhà, cho đến nuôi người bệnh, ai thuê gì cũng làm. Con trai đi tù, để lại một nách 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, một mình con dâu bà chẳng thể kham hết. Bà làm thuê làm mướn, kiếm được đồng nào, cái giúp con dâu nuôi cháu, cái để dành bới xách cho con trai trong tù, cái thì thuốc thang cho bản thân.
Chồng bà mất sớm. Bà cũng một nách nuôi 6 đứa con. Quốc là con trai thứ hai trong gia đình. Nhà nghèo, nên chẳng có tiền cho con ăn học. Quốc không biết chữ, nên chỉ có thể ra ngoài lăn lộn làm thuê làm mướn. Bà bảo con trai mình trước đây hiền lành lắm, lại vô cùng hiếu thảo. Bà vẫn còn nhớ như in, năm đó bà sinh con. Nhà nghèo, chẳng có gì ăn, nên sữa cũng không có cho em bé bú. Quốc đi làm thuê, thấy chổ nào có đám giổ, cũng vào xin một ít thức ăn mang về cho mẹ. Bà thương các con nheo nhóc, cũng không nỡ ăn, nhưng con trai ép mẹ ăn cho bằng được, bảo ăn mới có sữa cho cho em. Chuyện trôi qua đã nhiều năm, mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Mà đứa con trai của bà, chẳng biết sao lại ra nông nỗi. Bà thở dài chua xót.
Tòa tuyên phạt bị cáo 10 tháng tù giam. Người mẹ đưa tay nhẩm tính, bảo con trai đã “ngồi” được 4 tháng, vậy là phải bới xách thêm 6 tháng nữa. Rồi bà lo, năm nay không biết con bà có kịp về ăn tết, hay lại thêm lần nữa lạnh lẽo đón tết trong trại giam, như nhiều năm về trước./.