Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề tiếp viên tàu được biết đến là một nghề mang lại thu nhập cao, ổn định, được đi nhiều nơi… Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ hào nhoáng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Bởi trên tàu, họ vừa phải điều phối hành khách, vừa phải xử lý các tình huống, sự cố nguy hiểm không may xảy ra.
Khách đại gia nổi nóng, tiếp viên tàu ‘tái mặt’
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1979) nhân viên tàu SE, chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, cho biết, trong 16 năm làm tiếp viên chị từng nếm trải không ít những niềm vui, nỗi buồn.
“Công việc tiếp viên tàu không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi một chuyến tàu Bắc - Nam, chúng tôi phải làm 2 ca, cả đi lẫn về là 30 tiếng nên rất mệt mỏi. Sau đó, chúng tôi sẽ được nghỉ 4 ngày để bắt đầu ca làm việc khác”, chị Thảo chia sẻ.
Chị Thảo làm công tác soát vé, hướng dẫn khách lên tàu. Ảnh: Hạnh Thuý |
Theo chị Thảo, trên các chuyến tàu, người tiếp viên ngoài việc hướng dẫn vị trí cho khách, họ còn phải làm công việc soát vé. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu tiếp viên lơ là, không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra.
Chị Thảo cho biết thêm, làm trong những trường đông đúc, tiếp viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Không ít lần, họ bị khách hàng gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
“16 năm rong ruổi trên tàu, không có nhiều thời gian cho gia đình, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề", chị Thảo tâm sự. Ảnh: Hạnh Thúy |
"Một số trường hợp lên tàu để tiễn người thân, khi tàu sắp chạy, mặc dù trên loa, nhân viên đường sắt đã thông báo thời gian tàu khởi hành nhưng họ cố tình không chịu xuống. Khi cửa đóng lại thì bị họ gây gổ, dùng lời lẽ khó nghe với nhân viên viên đường sắt”, chị Thảo chua chát nói.
Tiếp viên sinh năm 1979 cho biết, chị từng bị một hành khách nam tên Tuấn, khoảng 50 tuổi, mắng mỏ nặng lời.
Lần đó, vào giờ 7 giờ sáng, ông Tuấn lái chiếc tô tô con sang trọng đưa mẹ ra tàu về thăm quê. Người mẹ này do say xe nên không thể đi bằng ô tô.
Đưa mẹ ngồi vào giường, ông Tuấn bắt đầu hỏi han, trò chuyện. Đến khi tàu sắp lăn bánh, chị Thảo nhỏ nhẹ mời vị khách xuống tàu để đóng cửa. Tuy nhiên ông Tuấn tỏ ra không quan tâm, không đáp lời.
Tình thế gấp gáp, chị Thảo vội vàng nhắc nhở vị khách thêm một lần nữa. Nhưng khi chị Thảo vừa dứt lời, vị khách bắt đầu lớn tiếng quát tháo, không chịu xuống.
“Khi thấy tàu bắt đầu chuyển bánh, ông Tuấn chạy ra đòi mở cửa xuống ga. Tuy nhiên theo quy định an toàn tôi không đồng ý mở. Người này lập tức nổi nóng, mắng tôi bằng những lời lẽ khó nghe. Sau đó, ông ta xông vào túm áo đòi đánh tôi.
Mọi người trong khoang thấy xô xát liền can ngăn. Nhân lúc đó tôi vội vàng chui vào nhà vệ sinh tạm tránh. Khi ông ta bình tĩnh trở lại, tôi mới ra tiếp chuyện”, chị Thảo nhớ lại.
Thấy vị khách bắt đầu bình tĩnh hơn, chị Thảo mời trưởng tàu ra gặp ông Tuấn trao đổi. Sau khi được trưởng tàu phân tích về những rủi ro, nguy hiểm khi mở cửa tàu. Vị khách nghe xong mới xin lỗi chị Thảo và ngồi yên chờ đến ga kế tiếp để xuống.
“16 năm rong ruổi trên tàu, mặc dù không có nhiều thời gian cho gia đình nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Mỗi ngày tôi luôn nhắc mình phải cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa để phục vụ hành khách thật chu đáo", chị Thảo bộc bạch.
Khách say rượu, nôn trong buồng tiếp viên
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1978, tiếp viên đường sắt Vinh - Nghệ An) vào nghề đã được 15 năm.
Chị cho biết, khi làm việc trên các chuyến tàu, chị luôn mong nhận được sự phối hợp tốt từ phía khách hàng để chuyến tàu được an toàn.
Tuy nhiên trong quá trình làm việc chị cũng từng gặp phải nhiều hành khách khiếm nhã, có thái độ bất hợp tác.
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1978, tiếp viên đường sắt Vinh - Nghệ An). Ảnh: Hạnh Thúy |
"Nhiều năm về trước, khi tôi đang làm tiếp viên trên chuyến tàu từ Nghệ An đi Hà Nội.
6 giờ sáng, đoàn tàu bắt đầu đón những vị khách cuối cùng cũng là lúc một vị khách nam khoảng 45 tuổi dừng xe máy, vội vàng bước lên tàu để đưa vợ đi khám bệnh.
Đưa vợ ngồi xuống, ông ta bắt đầu trò chuyện và dặn dò. Cuộc nói chuyện của hai vợ chồng họ diễn ra khá lâu, tôi thấy vậy thì nhắc nhở, yêu cầu ông ta xuống tàu nhiều lần. Nghe những lời nói của tôi, ông ta vẫn thờ ơ.
Khi tàu sắp chạy, tôi đóng cửa. Lúc này, ông ta mới hốt hoảng xin mở của tàu. Tuy nhiên vì quy định của tổ tàu, tôi yêu cầu ông ta đến ga tiếp theo thì mới xuống”, chị Tuyết Hạnh kể.
Khi tàu chạy, vị khách liếc nhìn chiếc xe máy của mình trên sân nhà ga và gào thét. Trước thái độ bất hợp tác này, nữ tiếp viên phải giải thích, phân tích cho vị khách về những quy định của đoàn tàu.
“Tôi hiểu ông ta bức xúc vì đến ga Cầu Dát, Diễn Châu mới được xuống tàu nhưng vì an toàn của tất cả hành khách, ông ta phải chấp hành đúng quy định”, chị Tuyết Hạnh nói.
Tiếp viên cho biết thêm, ngoài các sự cố trên, chị nhiều lần phải xử lý cả trường hợp hành khách say rượu, quậy phá và phóng uế vào buồng tiếp viên.
“Đó là lần tôi đi tàu tàu TN1. Hôm đó, tôi đặc biệt ấn tượng với một vị khách tầm 50 tuổi, ở tầng 3, phòng 3 bị say rượu. Vị khách vừa nhận buồng đã liên tục dọa dẫm các hành khách xung quanh. Thấy tình hình bất ổn, tôi liên tục yêu cầu vị khách giữ trật tự.
Thế nhưng vị khách vì đã say rượu nên không kiềm chế được hành vi. Ông ta vừa nói vừa cởi cả áo đang mặc trên người. Trước tình huống xảy ra, tôi khá bối rối nhưng vẫn lựa lời khuyên ông ta mặc áo vào.
Thấy thái độ cứng rắn của tôi cùng những hành khách xung quanh, vị khách này không hung hãn nữa mà quay lại giường nằm, nhưng ít phút sau sự cố khác lại xảy đến.
Trong lúc đi tìm phòng vệ sinh để nôn, vị khách này vào nhầm phòng nhân viên tàu và nôn bừa bãi. Sự việc xảy ra khá bất ngờ nên tôi buộc phải gọi trưởng tàu cùng bảo vệ tàu đến để giải quyết", chị Tuyết Hạnh nói.
Theo chị Tuyết Hạnh, bên cạnh một số vị khách khiếm nhã như vậy thì đa số các hành khách đi tàu rất lịch sự, văn minh. Trong quá tình lên xuống tàu, họ đều hỗ trợ và tuân theo sự điều phối, sắp xếp của các nhân viên đường sắt.