Phải nói là, Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN vào thời điểm rất đặc biệt - khi dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề trên các mặt kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới.
Chính trong thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh Covid-19; tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch; sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh.
Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm thấp, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của toàn cầu.
Việc lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt ứng phó với Covid-19 dưới hình thức trực tuyến tiếp tục thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để ứng phó các thách thức phi truyền thống.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, hôm 31/3 Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày càng lan rộng và các cuộc họp không thể diễn ra theo phương cách truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch Covid-19.
Không chỉ thu được “kết quả không thể tuyệt vời hơn” sau 3 tháng chiến đấu chống Covid-19, Việt Nam còn chứng tỏ là quốc gia thành viên có nghĩa vụ trước cộng đồng quốc tế.
Dù cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ cho công dân các nước thời gian qua ở Việt Nam, trong đó có chữa trị cho những người có kết quả dương tính với virus Corona; hỗ trợ hàng hóa, thiết bị y tế (kể cả tiền) đối với nhiều nước.
Báo Mỹ “The Diplomat” trong một bài viết nhìn nhận, Việt Nam sẵn lòng giúp đỡ các nước khác trên cơ sở song phương và đa phương trong khả năng tốt nhất của mình, đồng thời vẫn nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 trong nước. Bài báo kết luận, gói viện trợ mới nhất (cho 5 nước EU) là minh chứng cho cách tiếp cận đa diện của Việt Nam đối với cuộc chiến chống Covid-19 cả trong nước và ngoài nước.
Tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ trong quan hệ quốc tế, mà ngay cả “chủ động thích ứng” trong nước, trên tất cả các mặt trong bối cảnh “thảm họa Covid-19” toàn cầu cho thấy sự linh hoạt và bản lĩnh Việt Nam.