Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội mới đây, ông Sơn cho biết giai đoạn 2016 - 2022 hơn 4,84 triệu lao động rút BHXH 1 lần. Trong đó, 1,24 triệu người quay lại hệ thống (chiếm 27,7%), số còn lại vẫn nằm ngoài lưới an sinh. 55% người rút một lần là lao động nữ khi gánh nặng cơm áo đè lên vai họ và nhiều DN FDI tìm cách loại công nhân nữ ngoài 30 tuổi.
Ông Sơn đánh giá tình trạng rút BHXH 1 lần, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn còn do văn hóa, nếp sống, đặc trưng vùng miền. Theo thống kê, tỷ lệ rút ở Đồng bằng sông Hồng khoảng 2,23%, trong khi Đông Nam Bộ trên 5% và Đồng bằng sông Cửu Long là 10,76%.
Một số người có tâm lý e ngại trước thông tin sửa đổi quy định rút BHXH một lần, chỉ cho rút không quá 50% tổng thời gian đóng. Thời gian qua, lao động xếp hàng chờ rút ở BHXH Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn (TP HCM). “Người lao động nhận thông tin không đầy đủ, truyền tai nhau dẫn đến tâm lý lo sợ chính sách thay đổi”, ông Sơn nói, cho biết khi xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, các cơ quan “đã lật đi lật lại vấn đề, tính toán nhiều khía cạnh mới đề xuất bổ sung phương án này”. Khi chỉ giải quyết rút một lần không quá 50% tổng thời gian đóng, phần còn lại sẽ bảo lưu để sau này lao động hưởng chế độ, bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng lao động đã nghe thông tin sắp thay đổi quy định hưởng BHXH 1 lần không toàn diện. Lo ảnh hưởng quyền lợi nên nhiều người chọn rút trước. Đề nghị các cơ quan tiếp tục tuyên truyền để người lao động thấy rõ thiệt hại khi rút bảo hiểm một lần.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam, đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá tác động và có chính sách hỗ trợ, đảm bảo an ninh thu nhập cho lao động trong trường hợp cần thiết.