Tôi hẹn gặp Duy Nam tại một quán cà phê yên tĩnh một góc phố Hà Nội. Nhưng ngay lập tức, Nam nhắn tin cho tôi đổi địa điểm vì ở đó Nam không thể “đốt” thuốc. Tôi đồng ý và đến chỗ hẹn khác. Vừa thấy tôi bước vào, Nam đã đứng dậy vẫy vẫy tay.
Hôm đó, Duy Nam ăn mặc có phần bụi bụi với áo phông, quần soóc, đeo kính râm với chiếc mũ sùm sụp. Nam trò chuyện cởi mở và nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Nhưng đằng sau nụ cười ấy, tôi thấy ẩn chứa nhiều nỗi niềm.
Có duyên với các giải thưởng
Đỗ Duy Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, cha mẹ Nam quê gốc ở Nam Định lên Lào Cai làm kinh tế mới và định cư lại đó luôn. Nam kể, từ nhỏ cha mẹ đã luôn hướng anh thi vào trường Đại học Nông nghiệp, một phần để nối tiếp nghề nghiệp của cha mẹ, hai là để ổn định về sau.
Ngày nộp hồ sơ đại học, cha mẹ Nam vẫn đinh ninh là con trai mình đã nộp hồ sơ vào trường Đại học Nông nghiệp như định hướng nhưng Nam lại giấu cha mẹ nộp thẳng vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đến ngày chuẩn bị đi thi, Duy Nam mới nói thật cho cha mẹ biết, lúc đầu cha mẹ anh ra sức khuyên bảo nhưng sau đó thấy Nam quyết tâm nên cũng đành gật đầu để cho con mình một lần được thử sức với đam mê.
Thế là, Nam một mình khăn gói “xuống núi”, từ Lào Cai đến Hà Nội để dự thi. “Dù mới thi xong được vài ngày chưa có kết quả nhưng Nam tự tin lắm! Nam luôn nghĩ là kiểu gì mình cũng sẽ thi đỗ và sau này có thể trở thành diễn viên. Thế nên đi đến đâu và gặp ai, Nam cũng nói là đỗ đại học rồi. Mẹ Nam khi ấy còn bắt Nam ở nhà không cho ra ngoài vì sợ con mình nói linh tinh, sau này mà không đỗ thì mẹ không biết giấu mặt đi đâu”, Duy Nam kể lại.
Rồi cũng đến ngày có kết quả thi. “Hôm ấy, Nam mượn xe đạp ra cửa hàng internet ở dưới huyện để xem kết quả. Đến lúc nhìn thấy tên mình có trong danh sách của trường, Nam hạnh phúc đến mức gõ loạn bàn phím ở quán người ta đến suýt hỏng. Vui đến mức Nam chạy vội về nhà quên cả trả tiền lẫn xe đạp ở ngoài hàng internet. Nhìn thấy mẹ, chẳng hiểu sao, mắt Nam cứ rưng rưng chỉ nói được: “Mẹ ơi, con đỗ rồi”. Thế là chạy ra ôm mẹ rồi cả hai mẹ con cùng khóc vì mừng. Cái cảm giác ấy khó tả lắm, đúng là mừng đến phát khóc”, Duy Nam hồ hởi kể lại.
Rồi mãi đến sau này, khi Nam chuẩn bị đồ đạc để xuống Hà Nội nhập học, mẹ Nam mới kể chuyện đã đi vay tiền để chuẩn bị mở cho anh một cửa hàng sửa xe máy phòng khi Nam thi trượt đại học. “Đấy, may là Nam thi đỗ chứ không giờ này đã làm anh thợ chuyên sửa xe, chứ không ngồi được đây nói chuyện với bạn được rồi”, Nam vừa cười vừa nói.
Và trong khi bạn bè đi học được cha mẹ hậu thuẫn về kinh tế để yên tâm học tập thì Nam lại phải tự lo cho mình. Cha mẹ Nam muốn anh tự lập ngay từ đầu, Duy Nam đồng ý vì đó cũng là cách để Nam chứng minh con đường anh đã lựa chọn là đúng đắn và trong suốt thời kỳ sinh viên, anh đã dùng sự nỗ lực và khả năng thiên phú của mình để có thể tự chi trả cho mọi sinh hoạt của bản thân. Nam thử sức với đủ loại vai diễn rồi đến các Liên hoan phim. Nam tỏ ra khá có duyên với các giải thưởng.
Năm 2009, Nam tham gia đóng vai Phác - một thương binh tật nguyền trong tác phẩm bi kịch “Những giọt máu” và đạt giải nhất cuộc thi Tài năng sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Năm 2012, Duy Nam được cử tham gia Liên hoan sân khấu Quốc tế tại Bắc Kinh và mang về giải Nam diễn viên ưu tú cho đoàn Việt Nam. Đến năm 2013, Nam giành giải thưởng Nam diễn viên ưu tú của Liên hoan Sân khấu châu Á và huy chương vàng Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ (vai Đôn Sứt trong vở kịch “Lời thề thứ 9”).
Nam kể, để có thể thành công với vai diễn Đôn Sứt và đạt huy chương một phần là do NSƯT Chí Trung đã truyền lửa nghề và truyền cảm hứng cho một diễn viên trẻ như anh. Đó là một người nghệ sĩ, một người anh mà Nam luôn trân trọng. Với Duy Nam, sau mỗi vai diễn, điều anh nhận được không chỉ là các giải thưởng, huy chương mà nhiều hơn thế rất nhiều. “Dù thành công hay thất bại, thứ mà Nam nhận được đó là những bài học sâu sắc và những kinh nghiệm quý báu trong nghề”.
Anh chia sẻ, để có Duy Nam như ngày hôm nay là phải có bàn tay của NSND Lê Khanh - người thầy đã dạy dỗ Nam từ khi mới chập chững bước vào cánh cổng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. “Với Nam, cô Khanh là người mẹ thứ hai của mình. Cô không chỉ dạy cho Nam về nghề mà còn cho Nam một tâm hồn đẹp, một tâm hồn hướng đến cái đẹp và nghệ thuật chân chính”.
Duy Nam chụp cùng nghệ sĩ Lê Khanh. |
Muốn là một diễn viên có cá tính
Duy Nam tự nhận bản thân anh không có khuôn mặt ưa nhìn và chiều cao lý tưởng nhưng lại được trời phú ban cho nét mặt trẻ trung, nụ cười thân thiện và vui vẻ. Khán giả lại thường xuyên thấy Nam xuất hiện trong các tiểu phẩm hài, thế mới có chuyện nhiều người nhầm tưởng anh là diễn viên hài, bởi thoáng nhìn thấy mặt Nam đã thấy cái sự dí dỏm. Nhưng thực chất, Nam tốt nghiệp với vị trí thủ khoa đầu ra của Khoa Diễn viên - Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ngoài công việc là diễn viên kịch tại Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Duy Nam còn tham gia đóng phim, làm MC.
Đối với Duy Nam, muốn làm diễn viên thì cần phải biết quan sát. Mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống, Nam đều đúc kết lại để đúc kết cho mình lối diễn ấn tượng nhất. Có những ánh mắt, nụ cười, anh học được từ chính những gì anh nhìn thấy, nghe được.
“Nam vẫn nhớ như in, đó là một trưa đầu đông, tôi đang lang thang trên đường từ trường về nhà thì nhìn thấy một chú chở trên xe một chiếc đệm dài, khi ấy mặt chú đỏ bừng lại lấm tấm mồ hôi nhưng Nam nhận thấy trong ánh mắt của chú ấy như đang cười, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc. Điều ấy làm tôi ám ảnh mãi về sau và tự dặn mình muốn theo được nghề thì cần phải có sự chân thật, có cảm xúc, phải sống cùng với nhân vật để diễn mà như không diễn”.
Nam còn trẻ, anh chẳng ngại ngần thử sức với đa dạng vai diễn và hầu hết các vai diễn từ trước đến nay Nam tham gia đều được các đạo diễn “đo ni đóng giày” là được sinh ra trong một gia đình giàu có, được cha mẹ nuông chiều. Từ vai diễn trong “Khi chàng trai yêu”, “Tình như chiếc bóng”, “Làm chồng đại gia”, “Sóng ngầm phố nhỏ”... và gần đây nhất là vai Thắng trong bộ phim “Sóng ngầm” của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà, hiện đang chiếu trên khung giờ vàng của VTV1.
Một vai diễn đóng cùng nghệ sĩ Minh Hằng. |
“Đó là một cậu công tử con nhà giàu, thích chơi bời nên chẳng mấy chốc đã vấp phải tệ nạn xã hội đó là thích chơi “đá” và hút “cỏ”. Rồi đến khi bị gia đình phát hiện ra, cậu ta bị lôi xềnh xệch về nhà. Sau đó, là chuỗi ngày dài Thắng phải đối mặt với gia đình, bạn bè, để rồi lấy quyết tâm muốn cai nghiện làm lại cuộc đời. Không chỉ vậy, Thắng phải tìm mọi cách để thuyết phục gia đình cho mình cưới vợ...”, nam diễn viên trẻ chia sẻ.
Với Nam, Thắng trong “Sóng ngầm” được khán giả đón nhận là thành công ngoài kỳ vọng. Chia sẻ về vai diễn để đời, Nam nói: “Thắng trong phim là một người có nhiều tính cách, được nuông chiều nên sớm vấp ngã. Nhưng cũng nhờ đó mà Thắng trưởng thành hơn. Nói Thắng có phần giống tôi cũng đúng. Bởi ngày trước, tôi thuộc dạng ham chơi, đến mức cha mẹ phải xin cho tôi vào một trường giáo dục thường xuyên cách nhà khá xa vì sợ con mình học trường điểm thì không theo kịp chúng bạn.
Những tháng ngày nghịch ngợm, nhiều lần khiến cha mẹ phải rơi nước mắt khiến tôi tỉnh ngộ. Tôi nhận ra mình phải làm lại cuộc đời. Ngã ở đâu, phải đứng lên từ đó... Nhiều lúc, tôi không có cảm giác mình đang đóng phim mà đang sống với chính vai diễn đó”.
Thế mới có chuyện, khi Nam ra đường nhiều người quên mất tên thật của anh là Nam mà toàn kêu anh là Thắng. “Nhiều người nhìn thấy tôi thì mắng mỏ, thậm chí đánh cho vài cái vì cái tội hư hỏng. Họ nói: “Thắng ơi, sao còn trẻ mà lại dại dột thế hả con? Trên đời có bao nhiêu thứ tốt đẹp con không học, sao lại đua đòi học mấy thứ vớ vẩn để rồi nghiện ngập làm khổ cha mẹ thế hả?
Rồi cũng có người nói: “Trông mặt mũi mày sáng sủa, đẹp giai thế kia mà “Sở Khanh” thế hả cháu? Làm con nhà người ta ễnh bụng ra đấy mà sao mãi không chịu cưới...”, Nam kể lại giọng đầy hạnh phúc.
Tôi đùa anh, vai diễn thành công đến vậy thì “dễ bị chết với vai lắm”, Nam cười chia sẻ: “Khán giả bây giờ tinh tế lắm. Nam tự biết rằng mình là ai và làm được những gì”. Không chỉ làm các bà nội trợ không rời mắt khỏi màn hình tivi trong các buổi tối mà Duy Nam còn tạo ra cơn sốt trên cộng đồng mạng khi đăng tải những clip hài Parody (một thể loại “nhái” nhằm mục đích vui là chính) như: “Suy nghĩ trong anh”, “Em của mùa Wold Cup”, “Thành phố mồ hôi rơi”, “Chắc ai đó sẽ về”... tự sự về cuộc sống xung quanh qua góc nhìn hài hước.
Trong số đó, Nam tâm đắc nhất là video ca nhạc “Mảnh ghép vùng cao”. Trong đó, Nam vào vai một chàng dân tộc vì bản thân Nam cũng sinh ra và lớn lên ở vùng cao. Bài hát giống như một món quà Nam dành tặng cho quê hương cũng như để gửi gắm vào đó thông điệp rằng, sống ở trên đời cần có tình yêu thương. “Bàn tay có những khe hở chẳng phải để tiện lái xe hay để chơi piano mà để một bàn tay khác nắm lấy trao nhau yêu thương”, anh nói.
“Khi mới bắt tay vào làm phim, Nam bị nhiều người gọi điện khuyên bảo, ý nói sao lại bỏ tiền ra làm những thứ vô bổ như thế. Thậm chí, có người ác ý còn nói Nam bị hâm, bị dở. Nhưng không vì thế mà làm Nam chùn bước, Nam tin những điều mình làm là đúng đắn. Bởi mỗi clip đều có ý nghĩa riêng, đều hướng tới giá trị nhân văn. Nam muốn trong cái tôi của mình phải có cái chung của chúng ta.
Nam chấp nhận là một diễn viên hâm có cá tính còn hơn là làm nghề mà không được công nhận và bị khán giả lãng quên. Đó cũng là cách để Nam tri ân, gửi đến những khán giả luôn yêu quý và dõi theo từng bước đi của mình”, Duy Nam cười hóm hỉnh.
Từ đầu đến cuối, Nam luôn tự nhận mình là một chú ngựa vùng cao không thông minh nhưng cần cù và chăm chỉ. Hồi đầu, mọi thứ đều quá bỡ ngỡ từ môi trường cho đến cách sinh hoạt. Phải mất một thời gian rồi Nam mới hòa nhập được với cuộc sống mới. Nhiều người còn trêu anh là “trai bản xuống phố”.