Từ những giây phút đầu tiên đó, Fidel ở sân bay Schoenefeld, cho đến khi chia tay, dường như lúc nào Erich Honecker cũng bên cạnh Fidel, kể cả trong các chuyến đi địa phương.
Hai ông luôn vui vẻ trò chuyện cùng nhau. Hình ảnh đó cũng nói lên rằng giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cuba có mối quan hệ hữu nghị và đoàn kết chiến đấu rất sâu sắc, nhất là từ khi Cuba chiến thắng trong sự nghiệp giải phóng của mình.
Người dân Cộng hòa Dân chủ Đức có tình cảm kính trọng Fidel rất đặc biệt. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở nước này, người ta in và phát hành rộng rãi chân dung và tác phẩm của Fidel - người anh hùng của "Hòn đảo tự do". Về phần mình, Fidel có những ấn tượng khó phai mờ về người đồng chí của mình - một con người luôn nêu cao tình đoàn kết quốc tế - không những dành cho Cuba mà cả cho Việt Nam cũng như các dân tộc khác trong sự nghiệp giải phóng đất nước, vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Trong ấn tượng của một nhà báo bình thường, qua hàng loạt sự kiện lớn nhỏ, tôi luôn nghĩ Fidel và Honecker - hai vị lãnh tụ đáng kính này - đều là linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam trên đất nước của mình. Cả hai ông đều là người đề xướng và có những lời nói vô cùng quý báu cho phong trào ấy. Với Erich Honecker, tôi đã rõ và từng viết khá nhiều về tấm lòng của ông với nhân dân và đất nước của Hồ Chí Minh. Với Fidel, tôi cũng được nghe và đọc nhiều, nhưng trực tiếp chứng kiến là qua những lần ông đến thăm Đức - quê hương của Marx.
Trước hết, xin trở lại chuyến thăm vào giữa tháng 6 của ông, theo lời mời của Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Là một phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin, tôi thường xuyên có mặt và đưa tin về các sự kiện thời sự của nước sở tại. Việc đi đón những nguyên thủ quốc gia, những vị lãnh đạo các Đảng anh em là một ví dụ. Riêng đi đón Fidel Castro, đối với tôi, không chỉ là nhiệm vụ, mà khác hẳn các cuộc đón khác, còn pha lẫn tình cảm rất kỳ diệu đối với ông - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cuba anh em. Do đó, tôi rất vui và có phần hồi hộp.
Tuổi trẻ của tôi cũng từng trải qua những năm tháng ở đất này; khi đến tuổi thành niên, tôi được nghe về thắng lợi lẫy lừng của Cuba, trong niềm vui chung của các tầng lớp nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức. Một lần đến Hội chợ Leipzig (năm 1962) tôi mua được bức chân dung của Fidel và vẫn giữ cẩn thận đến bây giờ.
Nhà báo Trần Đương trong cuộc tiếp xúc với các đồng nghiệp quốc tế tại Beclin (1972) |
Tôi vẫn mơ ước có một ngày được gặp ông. Mơ ước thôi, đâu dám nghĩ đến sự thật. Vậy mà, hôm nay, đúng 10 năm chẵn, tôi được đi đón ông, trong đoàn nhà báo quốc tế hiện có mặt ở Berlin.
Tôi nhận được một tin vui: Khi gần đến Berlin, Fidel Castro điện cho Đại sứ Cuba ở Đức từ trên máy bay: khi ra đón đoàn cần có mặt Đại sứ của Việt Nam. Dĩ nhiên là Đại sứ ta rất bất ngờ và xúc động. Chúng tôi, những người Việt Nam cũng rất bất ngờ và xúc động. Điều ấy chứng tỏ: không phải chỉ ở Cuba hay tại những diễn đàn quốc tế mà ở đây, dưới trời châu Âu, ông cũng rất nặng tình, nặng nghĩa với Việt Nam.
Sau khi bắt tay các vị khách ra đón, ông đến chào đoàn ngoại giao. Được Đại sứ Cuba giới thiệu, ông đã cầm tay Đại sứ Việt Nam và mời lên ô tô cùng về Berlin. Trong xe còn có Tổng Bí thư Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức Erich Honecker.
Tới khu vực nhà nghỉ dành cho đoàn đại biểu cấp cao Cuba, sau khi trao đổi ngắn và chào tạm biệt Tổng Bí thư Honecker, Chủ tịch Fidel kéo Đại sứ Việt Nam lên phòng nghỉ. Cởi bỏ áo khoác ngoài, treo lên mắc, ông quay lại hỏi:
Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức đối với Việt Nam thế nào? Có tốt không? (Hồi này, trong quan hệ giữa Việt Nam với một số nước anh em gần gũi đang có một vài trục trặc.)
Đại sứ ta trả lời ông:
- Thưa đồng chí, có thể nói Cộng hòa Dân chủ Đức đối với Việt Nam như Cuba đối với Việt Nam vậy.
Chủ tịch Fidel nghe Đại sứ ta báo cáo khái quát phong trào đoàn kết sâu rộng đó trên đất Đức, tỏ ý hài lòng. Ông hỏi tiếp:
- Tôi cần nói gì ngày mai?
- Thưa đồng chí, nên hoan nghênh tình cảm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức dành cho Việt Nam, đồng thời lên án hành động bạo ngược của Mỹ. Chúng vừa ném bom đê điều...
Thưa xong, Đại sứ ta trân trọng trao cho Fidel Bản tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam phản đối Mỹ ném bom đê điều miền Bắc.
Hôm sau, trên quảng trường trung tâm của thủ đô Berlin, Chủ tịch Fidel Castro lên phát biểu trước hàng chục vạn nhân dân Berlin, trong tiếng hò reo chào mừng vị lãnh tụ từ phía Tây bán cầu và cả một rừng cờ, hoa, biểu ngữ.
Với dáng điệu và giọng nói đầy nhiệt huyết, Fidel nói:
"Tôi kính chào nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức!
Thưa các đồng chí, thưa các bạn!
Tôi đã chuẩn bị sẵn bài diễn văn, nhưng tôi quyêt định không đọc nó nữa. Vì sao vậy? Vì tôi đã nhận được một văn bản nói về tình hình rất nghiêm trọng...
Tiếp đó, ông đọc toàn văn tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam. Rồi, với giọng sang sảng, ông lên án tội ác tày trời của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam anh em.
Buổi lễ chào đón Fidel đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu dương lực lượng của những chiến sĩ quốc tế đầy nhiệt huyết...
Không riêng ở Berlin, tại bất cứ địa phương nào của Cộng hòa Dân chủ Đức, Fidel Castro đều cảm nhận tình cảm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với ông và sự ủng hộ nồng nhiệt dành cho nhân dân Cuba, cho nhân dân Việt Nam.
Tôi mãi mãi không quên hình ảnh ông và Chủ tịch Erich Honecker - một người trong bộ quân phục màu ô liu, một người trong bộ lễ phục màu sáng tươi cười tiếp xúc với sinh viên Việt Nam hiện đang ăn học ở thành phố Halle. Chung quanh họ là các quan chức Cuba và Cộng hòa Dân chủ Đức cùng các tầng lớp nhân dân, ai cũng cầm cờ Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức và Việt Nam hân hoan chứng kiến quang cảnh dạt dào tình hữu nghị này.
Và quả thật, chỉ một năm rưỡi sau, ông - với tư cách vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới - đã tới thăm Quảng Trị vừa giải phóng, mang đến cho nhân dân ta biết bao niềm vui và vinh hạnh.
*
* *
5 năm sau, tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp gỡ rất thân tình giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vị lãnh tụ Fidel Castro vào một buổi sáng đẹp trời ở Dinh Nguyên thủ quốc gia ở khu Pankow (Berlin). Ở thời điểm này, cuối tháng 3-1977, Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội ta đang dẫn đầu đoàn đại biểu cao cấp, gồm những tướng lĩnh ưu tú như Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa và nhiều sĩ quan cao cấp khác, thăm Cộng hòa Dân chủ Đức theo lời mời của Quân đội Quốc gia nhân dân Đức (NVA). Cũng là lúc lãnh tụ Fidel Castro vừa ở châu Phi về, dừng chân tại Berlin. Ông đề nghị Ban lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức thu xếp buổi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là cuộc gặp ngoài chương trình, rất bất ngờ, nhưng cũng chứa chan tình cảm giữa hai vị chính khách, hai nhà quân sự lỗi lạc. Hai vị ôm hôn nhau nồng nhiệt và nói cười rạng rỡ, nằm ngoài khuôn khổ ngoại giao.
Cũng cần nói rõ thêm: Fidel và Võ Nguyên Giáp đều được nhân dân châu Phi rất yêu mến, coi như những chiến sĩ quốc tế nồng nhiệt nhất trong phong trào giải phóng dân tộc.
Sau cuộc gặp Fidel, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui lắm. Trong bữa ăn trưa cùng các thành viên và những người tháp tùng đoàn, ông nói đến những kỷ niệm qua các dịp tiếp xúc với nhà lãnh đạo Cuba huyền thoại này. Đặc biệt ông kể về chuyến thăm của Fidel tại Quảng Bình, Vĩnh Linh và vùng giải phóng Quảng Trị. Ông đã được phân công hướng dẫn Fidel đi thăm Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam vào tối 13-9-1973. Đó là những giờ phút hai nhà quân sự lỗi lạc trao đổi rất sôi nổi về các loại vũ khí, về những chiến công của quân đội ta từ ngày ra đời, trải qua những trận đánh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ…
Cuộc gặp thân tình giữa Fidel và Võ Nguyên Giáp lần này diễn ra ở một nước châu Âu, cũng thật nặng tình nặng nghĩa giữa nhân dân và đất nước Việt Nam - Cuba. Người anh hùng trên "Hòn đảo tự do", Fidel Castro, chính ông mang nặng trái tìm tình nghĩa ấy với Việt Nam.
Và với ông, qua ông, chúng tôi càng kính yêu nhân dân Cuba anh hùng. Mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên lời ông nói với Đại tưóng Võ Nguyên Giáp của chúng tôi khi ông ôm hôn thắm thiết người anh hùng Điện Biên Phủ:
"Đồng chí Giáp kính mến ạ, hẹn gặp lại đồng chí, hoặc trên đất nước chúng tôi hoặc ở Việt Nam - quê hương của Bác Hồ mà tôi cũng như mọi người Cuba vô cùng yêu mến".
Trần Đương - Nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin