Có đúng luật?
Sau vụ việc 7 khán giả tử vong và nhiều người khác nhập viện cấp cứu khi tham gia lễ hội âm nhạc điện tử Du hành tới mặt trăng (Trip To The Moon) tại Công viên nước hồ Tây (Hà Nội), Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) Hà Nội Tô Văn Động cho hay, Sở sẽ tạm dừng tất cả những chương trình âm nhạc có yếu tố DJ, những chương trình có âm nhạc điện tử mạnh, cho tới khi cơ quan điều tra làm việc xong và có kết luận rõ ràng.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định không cấp phép cho đại tiệc âm nhạc diễn ra vào ngày 29/9 tới với loạt DJ nước ngoài đình đám tại Sân vận động Bách Khoa Hà Nội, dù có thể đơn vị tổ chức có trụ sở tại TP HCM nên người ta xin cấp phép ở đó. “Tuy nhiên, nếu biểu diễn tại Hà Nội thì cũng phải làm một thông báo gửi Sở VHTT Hà Nội. Nhưng tôi chưa nhận được thông báo nào, và nếu có nhận thì tôi cũng không ký” – ông Tô Văn Động nói.
Có thể coi việc tạm dừng các chương trình âm nhạc có yếu tố DJ là một nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên, từ khía cạnh pháp lý, hành động này có không ít vấn đề đáng bàn.
Phân tích về điều này, Luật sư Đào Tơ cho rằng, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/10/2012 quy định về đối tượng biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang bao gồm: “1. Đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang bao gồm: a) Nhà hát; Đoàn nghệ thuật; Nhà Văn hóa; Trung tâm Văn hóa, Thể thao; b) Nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang; c) Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; d) Hội Văn học, nghệ thuật; cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật; đ) Cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình; e) Chủ địa điểm, hộ kinh doanh tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”.
Khoản 2 Điều 8 quy định, đối tượng biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang bao gồm: a) Cá nhân là người Việt Nam; b) Cá nhân là người nước ngoài; c) Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Khi các tổ chức thuộc một trong các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 8 nêu trên thì để được tổ chức biểu diễn các tổ chức này còn phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép biễu diễn theo trình tự và thủ tục quy định. Các cơ quan tổ chức có trách nhiệm cấp giấy phép biểu diễn đối với tổ chức này khi đủ điều kiện cấp phép biểu diễn. Và các cá nhân biểu diễn thì phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 8 nêu trên. Khi được cấp thép thì các tổ chức, cá nhân được phép tổ chức biểu diễn chương trình.
Điểm d khoản 6 Điều 1 Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định:“d) Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa Điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 06 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”.
Nếu cần “siết” – phải sửa luật chứ không thể nói miệng
Cũng theo Nghị định nói trên, Bộ VHTT và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật. Và khi các tổ chức, cá nhân hoạt động, biểu diễn chương trình không đúng và vi phạm quy định pháp luật thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động, và yêu cầu tổ chức cá nhân ngừng hoạt động. Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thu hồi giấy phép, đối với chương trình đã được Sở VHTT TP HCM cấp phép, Sở VHTT Hà Nội có thể phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ có sự vi phạm quy định về biểu diễn hay không. Nếu có sự vi phạm về các quy định biểu diễn thì Sở VHTT Hà Nội đề nghị Sở VHTT TP HCM thu hồi giấy phép của tổ chức đó.
Ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, mà luật không có quy định nào cho phép từ chối cấp phép hay tạm dừng chương trình đã cấp phép khi không chứng minh được chương trình đó vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước buộc phải làm những gì pháp luật yêu cầu. Nghị định 72/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP giao cho Sở VHTT Hà Nội trách nhiệm cấp phép và họ buộc phải cấp phép khi người nộp hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật.
“Việc Sở tuyên bố sẽ dừng chương trình đã cấp phép và dừng cấp phép là không phù hợp với các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người tổ chức các chương trình ca nhạc. Do đó, những thiệt hại của những người tổ chức chương trình bị tạm dừng hoặc từ chối cấp phép vì một lý do không có trong quy định của pháp luật phải được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” – ông Minh Đức nhận định – “Nếu nhận thấy nguy cơ lớn từ việc sử dụng ma tuý tại những buổi biểu diễn ca nhạc thì cơ quan nhà nước có thể bổ sung quy định về điều kiện cấp phép, điều kiện tổ chức biểu diễn, nhưng phải làm việc này thông qua sửa đổi pháp luật, chứ không phải một tuyên bố miệng”.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính và không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, sẽ vô cùng rủi ro cho chính cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp, người dân” – Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội) bình luận.
Chỉ cấm khi chứng minh được hành vi đó vi phạm lợi ích công cộng
Cũng liên quan đến câu chuyện quản lý nhà nước, bình luận về việc cơ quan chức năng Hà Nội muốn cấm bán thịt chó, Luật sư Đào Tơ (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ một quy định nào quy định về việc cấm ăn thịt chó và buôn bán thịt chó. Để một quy định cấm được thực hiện trên thực tế thì phải được thừa nhận, đồng tình của nhân dân và được cơ quan nhà nước ban hành thành văn bản pháp luật. “Tuy nhiên, theo Luật Thủ đô năm 2012, nếu vấn đề bán thịt chó và ăn thịt chó làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng đến trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ thủ đô thì UBND thành phố Hà Nội có thể cân nhắc, trình Chính phủ xem xét cho thí điểm tạm dừng kinh doanh thịt chó ở Hà Nội” – Luật sư Đào Tơ nói.
Còn ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, lợi ích công cộng là quốc phòng, an ninh, sức khoẻ cộng đồng, đạo đức xã hội và trật tự xã hội. Nếu muốn can thiệp, cơ quan quản lý buộc phải đưa ra được số liệu, dẫn chứng, kết quả nghiên cứu, điều tra... để chứng minh được rằng ăn hoặc bán thịt chó xâm hại một trong 4 lợi ích công cộng liệt kể trên.