Dường như, đối với chúng ta, thiên nhiên và con người chỉ là mối quan hệ một chiều, khi mà sự vô tâm, vô ý thức của du khách đang dần tàn phá, giết chết các khu du lịch, di tích... Và sau mỗi bước chân qua của du khách là nỗi niềm cay đắng của rừng, của biển, của người dân địa phương.
“Rừng vàng biển bạc” ngập trong rác
Mỗi người Việt Nam chúng ta luôn có một niềm tự hào về mảnh đất hình chữ S trù phú với “rừng vàng biển bạc”và hào hùng với bề dày lịch sử 4000 năm.Mỗi địa danh đều gắn với những dấu tích của thời gian. Là nơi đã từng chứng kiến những trận chiến oanh liệt, hay ghi danh những anh hùng dân tộc của đất nước, nay lại đang oằn mình chịu đưng sự vô ý thức của những du khách kém hiểu biết và thiếu tôn trọng.
Đâu đâu cũng có rác, đặc biệt là rác thải nhựa. Từ các khu di tích đến tượng đài, đền chùa, cứ có du khách đi qua là có rác. Không quá hiếm để bắt gặp những thanh niên vừa uống xong chai nước đã vội vàng quăng ngay giữa sân hay những người đi ô tô khi vừa vào bãi đậu xe đã vội vã vứt tất cả rác trong xe xuống đất.
Túi nilon trôi lững lờ ở khu di tích Tràng An hay suối Yến chùa Hương có lẽ cũng góp phần tạo nên khung cảnh thơ mộng của nơi đây chăng khi mà người người nhà nhà ra sức ngồi trên thuyền thả rác xuống. Đáng buồn thay, sự vô ý thức lại được bắt gặp ở đủ mọi lứa tuổi, từ già tới trẻ.
Suối rác tại chùa Hương |
Những bác đứng tuổi, người đáng lẽ phải làm gương cho con trẻ lại vô tư vứt tàn thuốc lá, bã kẹo cao su xuống đất. Trẻ con uống xong hộp sữa thì nghe lời cha mẹ ném vỏ ra đường để khỏi bẩn xe. Cả gia đình sau chuyến đi cắm trại cũng tặng luôn cho khu rừng vô vàn thức ăn thừa và rác để làm kỷ niệm.
Bất chấp những chú chim cánh cụt xin rác dễ thương hay những biển báo răn đe cấm xả rác, các khách du lịch vẫn cứ làm ngơ, tiện tay là vứt. Rác thải làm ô nhiễm môi trường ngay tại điểm xả rác, túi nilon khó phân hủy làm tắc nghẽn hệ thống xử lý nước và gây hậu quả nghiêm trọng tới hệ sinh thái ở sông, hồ, biển.
Sự cố vừa xảy ra tại biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá có lẽ là một minh chứng rõ ràng. Biển xã Đa Lộc là một vùng xoáy nên khi thủy triều lên, rác từ khắp nơi đổ về rồi mắc kẹt ở 400 ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển.
Trên các cành cây sú, vẹt rác bám chi chít, dày đặc túi nilon, chai lọ, quần áo, giày dép rách. Trên bờ, rác từ nhựa chất gần giống như núi. Ngoài việc ô nhiễm đất, nước và không khí, rác thải còn gây khó khăn cho việc nuôi và đánh bắt hải sản của người dân nơi đây.
Và không chỉ có rác...
Bên cạnh rác, việc bảo vệ cảnh quan và tôn trọng các khu di tích lịch sử dường như chưa được các du khách chú trọng. Đã từ lâu, câu chuyện về “giặc” hoa đã bị lên án trên khắp các mạng xã hội nhưng hình như đối với những người thiếu ý thức đó không phải điều quan trọng, hay ít ra nó không quan trọng bằng những bức hình đẹp để khoe trên mạng.
Sự vô ý thức đã khiến cánh đồng hoa cải vàng khu vực ngoại thành Hà Nội bị vô tư dẫm lên, dập ngổn ngang hay bị bứt hẳn mang về nhà khiến chủ vườn phải treo biển cấm và phạt. Hay câu chuyện về cánh đồng tam giác mạch lại khiến cho những khách du lịch có tâm không khỏi phẫn nộ, bất bình.
Điều đáng nói ở đây là tam giác mạch – một loại lương thực chính của bà con vùng núi vậy mà sau vài tuần đã tan nát dưới chân khách du lịch. Váy hoa xúng xính hay áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, những du khách đến rồi đi, để lại đằng sau một cánh đồng hoa tan nát, và giọt nước mắt của người nông dân.
Hẳn chúng ta còn nhớ về việc xoa đầu cụ Rùa ở du di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nổi rầm rộ trước mỗi mùa thi. Các sĩ tử đua nhau sờ lên đầu các cụ Rùa để lấy may dẫn đến việc hư hỏng trầm trọng những di tích lịch sử hàng trăm năm này. Chỉ đến khi hàng rào được dựng lên và bảo vệ được bố trí nghiêm ngặt, thì tình trạng này mới chấm dứt.
Dẫm đạp bướm ở Cúc Phương |
Có lẽ, chính quyền hay ban quản lý các di tích, địa điểm du lịch cần bố trí thêm người làm công tác nhắc nhở, khơi gợi sư ý thức của mỗi du khách. Và, các danh lam thắng cảnh cũng phải bổ sung thêm rào chắn để ngăn người phá hoại, khi mà sự tự ý thức là điều khó có thể tìm thấy ở du khách.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cái xấu được “để lại” rất vô hình sau mỗi chuyến đi. Chẳng hạn như một nhóm ồn ào nơi công cộng, bất chấp nơi đó đã có người già, trẻ nhỏ, vẫn cười đùa như chốn không người.Hoặc khi vào những nơi di tích lịch sử, văn hóa… chỉ lo tranh nhau chụp ảnh “tự sướng”, không hề chú ý giữ sự tĩnh lặng để người khác nghe thuyết minh hay chiêm ngưỡng hiện vật.
Nhìn sang quốc đảo Singapore – địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới với những con đường vắng bóng rác thải. Để bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị và giữ thương hiệu thiên đường du lịch xanh sạch, chính phủ Singapore đã ban hành những lệnh cấm nghiêm ngặt, đồng thời đề ra mức phạt nặng đối với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Bên cạnh đó, công dân của quốc gia này luôn có ý thức bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như: nói không với kẹo cao su, vứt rác đúng nơi quy định, không mang đồ ăn thức uống lên tàu điện ngầm...
... Một bộ phận người Việt đi du lịch với các hành vi khó chấp nhận đã và đang làm hình ảnh chung của con người và đất nước Việt Nam xấu xí đi trong mắt bạn bè quốc tế. Mặc dù khi đến một vùng đất mới, nơi không ai biết mình là ai, thì rõ ràng cũng phải giữ phép lịch sự tối thiểu nhất và tôn trọng quy định cũng như văn hóa bản địa thay vì thả phanh cho sự thoải mái quá đà đến vô duyên, vô ý thức.
Song song với phát triển du lịch, chúng ta cũng phải bảo vệ môi trường sạch ở mọi nơi, mọi lúc. Đây là điều tối quan trọng của cuộc sống, không của riêng ai và cũng không phân biệt phạm vi mỗi quốc gia.Đã vào mùa du lịch, mong rằng bản thân mỗi du khách sẽ nâng cao ý thức- và “đừng để lại gì ngoài những dấu chân tại nơi ta đi qua”.