Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sin Suối Hồ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về công tác xây dựng Đảng tại địa phương thời gian qua, đặc biệt là những kinh nghiệm quý trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng.
Sin Suối Hồ là xã biên giới còn nhiều khó khăn nhưng đang có những bước phát triển đáng kể. Ông có thể cho biết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy Đảng cũng như công tác xây dựng Đảng trên địa bàn thời gian qua?
- Thời gian qua, với quyết tâm cao, Đảng bộ xã đã phân công mỗi cấp ủy phụ trách tổng thể một bản, bao gồm cả hướng dẫn bản phát triển kinh tế - xã hội; công tác phát triển Đảng; phòng, chống dịch COVID-19… Theo quy định của Đảng, hàng tháng, đảng bộ sinh hoạt một lần. Tại các kỳ họp định kỳ, từng đồng chí sẽ báo cáo khái quát về việc thực hiện nhiệm vụ của bản, chi bộ đó để Thường trực Đảng ủy nắm được và có biện pháp chỉ đạo.
Về công tác xây dựng Đảng, trước phiên họp của Đảng bộ, Đảng ủy xã sẽ tiến hành sinh hoạt. Toàn bộ các văn bản trong kỳ họp của Đảng ủy, bao gồm các văn bản của cấp trên và các văn bản do Đảng ủy ban hành sẽ là tài liệu để gửi cho các chi bộ làm văn kiện để các chi bộ thực hiện sinh hoạt.
Việc sinh hoạt chi bộ, công tác phê bình và tự phê bình thực hiện theo đúng quy định, các văn bản cấp trên chỉ đạo. Công tác đánh giá cán bộ cũng được chúng tôi thực hiện nghiêm túc. Do đặc thù là chi bộ khối nông thôn nên việc đánh giá thường xuyên phải gắn với việc đánh giá phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, công tác phòng chống dịch được đưa vào làm một trong những nội dung chính của sinh hoạt, bởi do đặc thù tại địa phương, nếu không đưa vấn đề này vào, không chỉ đạo quyết liệt thì không tiêm phòng được. Về kết nạp đảng viên, mỗi năm, Đảng bộ đề ra mục tiêu phát triển 5 đến 7 đảng viên. Năm nào chúng tôi cũng đạt chỉ tiêu.
Trước đây, Đảng bộ, chính quyền xã Sin Suối Hồ đã từng phải kiểm điểm, kỷ luật về những tắc trách và trì trệ trong công tác. Từ đó đến nay, công tác chỉnh đốn Đảng được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, chúng tôi sẽ theo đầu mối công việc để báo cáo. Bí thư chịu trách nhiệm chung về mọi việc, bao gồm cả công tác đoàn kết. Tất cả mọi công việc đều yêu cầu các đồng chí phải công khai, minh bạch, từ công tác cán bộ, phân công nhiệm vụ. Ví dụ, gần đây, ở địa phương có một số công trình giao cho xã làm chủ đầu tư, Đảng bộ yêu cầu tất cả mọi vấn đề đều phải công khai, minh bạch trước tập thể Đảng bộ chứ không chỉ với các thành viên thường trực trong Ban Thường vụ Đảng ủy.
Trước kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Thường trực và Thường vụ sẽ họp để chuẩn bị kỹ nội dung. Ngoài việc họp thường kỳ mỗi tháng một lần theo quy định, Ban Chấp hành Đảng bộ xã cũng có các kỳ họp chuyên đề. Bởi vì ở cấp xã khác với huyện là có nhiều việc phát sinh nên cần sát sao nắm tình hình trong dân. Có thể, một tháng chúng tôi họp hai, ba lần chứ không chỉ họp một lần theo quy định.
Bên cạnh đó, do đặc thù nên ở địa phương có nhiều việc nhạy cảm, vì vậy Đảng ủy xã quán triệt rất kỹ với cán bộ địa phương rằng, khi đi tuyên truyền về chế độ tới người dân, việc gì nắm chắc, nắm rõ thì mới được giải thích, tuyên truyền. Những việc chưa rõ, chưa sâu thì phải về tìm hiểu lại hoặc trao đổi với Thường trực để Thường trực chỉ đạo… Như vừa rồi, chúng tôi có đề án chuyển cư tại bản Căn Câu vì có nguy cơ sạt lở. Chỉ vì một câu nói chưa đủ, chưa chuẩn mà 80 người dân trước đó đã có đơn xin chuyển cư đột ngột rút đơn. Chúng tôi đã phải thành lập gấp tổ công tác do Bí thư làm tổ trưởng, trực tiếp xuống nắm bắt từng việc, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chúng tôi đã gặp trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng điểm nhóm để tìm hiểu và thấy rằng nguyên nhân là do có một đồng chí đã giải thích chưa đúng với dân. Khi đó, chúng tôi tuyên truyền lại, nói lại rõ sự việc, mang các văn bản luật, quy định của Nhà nước ra giải thích. Vì vậy, người dân đã hiểu được và nhiệt tình tuân thủ. Đến nay, gần 100 hộ đã đồng thuận.
Ngoài ra, vấn đề đoàn kết luôn được chúng tôi chú trọng, đảm bảo. Trong các cuộc họp, chúng tôi luôn quán triệt yếu tố phê bình và tự phê bình; yêu cầu phải thẳng, thật với nhau. Trong cuộc họp thì thẳng thắn góp ý, xong cuộc họp là xong, ra ngoài không được “xì xèo” gì nữa. Vì vậy, trong thời gian qua, tình trạng đơn thư vượt cấp gần như không có, đặc biệt là liên quan đến công tác cán bộ.
Về giờ giấc, kể từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã yêu cầu siết lại, dần dần anh em chấp hành tốt. Mấy năm gần đây, Đảng bộ xã đều đạt thành tích tốt. Cuối năm 2021, chúng tôi có hai chi bộ đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 13 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên ở Sin Suối Hồ cũng được làm rất chặt chẽ, nghiêm túc để kịp thời phát hiện và có hướng xử lý những đảng viên có dấu hiệu vi phạm, vì nếu để dân thấy có đảng viên vi phạm thì chắc chắn vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ kém đi. Bên cạnh đó, tại xã Sin Suối Hồ có một số trưởng điểm nhóm là người có uy tín nên chúng tôi thường xuyên trao đổi với họ để nắm bắt tình hình của đảng viên, cán bộ, công chức viên chức, nhất là cung cách đối thoại, xử sự với người dân ra sao. Đương nhiên, việc này cán bộ, đảng viên không biết.
Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ Nguyễn Mạnh Hùng. |
Ông có thể khái quát một số bài học trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương?
- Cán bộ xã phải giải quyết công việc trực tiếp với người dân nên không gì bằng việc phải sát dân, gần dân và lúc nào cũng phải nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, chúng tôi dành rất nhiều thời gian xuống tận bản để nắm bắt và giải quyết, xử lý công việc. Phải coi mình là người bạn, người con của dân thì bà con sẽ chia sẻ hết. Thực tế cho thấy, có nhiều việc khi Bí thư trực tiếp xuống, việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong dân rất nhanh, bà con hiểu ngay. Cũng có nhiều việc bà con lên gặp thẳng Bí thư để được giải quyết. Bản thân tôi là Bí thư Đảng ủy xã, khi gặp bất cứ việc gì, kể cả khi đang đi đường đều dừng lại để xử lý.
Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu tất cả các đồng chí cấp ủy phụ trách ở các bản được đảo nhau. Ví dụ, đồng chí sinh hoạt ở Chi bộ A nhưng phụ trách ở Chi bộ B để việc đánh giá được khách quan. Có 5 ủy viên thường vụ, mỗi thường vụ phụ trách 3 chi bộ. Mỗi đồng chí cấp ủy phụ trách một chi bộ. Việc phụ trách này không chỉ về công tác phát triển Đảng mà còn phụ trách chung về công tác phát triển của chi bộ và bản đó. Đến cuối năm, công tác đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của đồng chí cấp ủy ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình còn gắn với việc phát triển của bản. Do đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nâng lên.
Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên nắm bắt phẩm chất, tư cách của người đảng viên để kịp thời phát hiện và có hướng xử lý những đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… dù là quy định dành cho cấp Trung ương nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ xã Sin Suối Hồ thường xuyên triển khai trong Đảng bộ.
Bản thân tôi trước đây thường hút thuốc lá nhưng vì một câu nói với dân mà bỏ. Hôm đó, có đoàn công tác của huyện Tam Đường và Phong Thổ về xã làm việc. Trong bản không bán thuốc lá nên tôi nhờ một cháu mua giúp một bao thuốc và có hứa sẽ không hút thuốc nữa. Sau đó, trưởng bản, trưởng điểm nhóm và các con của họ đã nhờ các lãnh đạo xã quan sát xem Bí thư có bỏ thuốc không. Thế là tôi phải bỏ thuốc, dù trước đó, tôi từng nhiều lần hứa bỏ thuốc nhưng không làm được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đảng bộ xã Sin Suối Hồ hiện tại có 144 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ (5 chi bộ khối hành chính sự nghiệp và 10 chi bộ khối thôn bản). Trong đó, 2 chi bộ khối thôn bản có cấp ủy và 3 chi bộ nhà trường có ban chi ủy. Xã không thành lập chi bộ khối cơ quan; Bí thư đảng ủy xã sinh hoạt tại chi bộ khối thôn bản.