Trả lời phỏng vấn Báo PLVN, ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Sự hài lòng của người dân là động lực cải cách hành chính
- Để thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy ngày 29/12/2020 về chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua Bến Tre đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông!
- Để thực hiện công tác CCHC một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, thời gian qua Bến Tre đã tập trung vào 6 nội dung là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Hiện đại hóa hành chính. Từ đó, xây dựng hệ thống chính trị kiến tạo – liêm chính – hành động – phục vụ nhân dân.
Về cải cách thể chế, tỉnh tập trung ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Về cải cách TTHC, số hóa kết quả giải quyết thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỉ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15% vào cuối năm 2021. Giai đoạn 2022-2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỉ lệ 100%. Giải quyết hồ sơ, triển khai thanh toán trực tuyến đạt tối thiểu 80% TTHC. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời trên 90%.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Sở Công Thương tại Trung tâm phục vụ hành chính công Bến Tre. |
Về hiện đại hóa hành chính, Bến Tre sẽ phát triển hạ tầng truyền dẫn, hệ thống dữ liệu, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) để triển khai Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Triển khai, thực hiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu (theo hướng dẫn của Trung ương); các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, định danh số, chuyển đổi số và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ. Triển khai Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030. Xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước…
- Trên thực tế, khi tiến hành cải cách hành chính, Bến Tre đã gặp phải những khó khăn gì, nhất là khi tình hình diễn biến dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, thưa ông?
- CCHC phải thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần có nhiều nguồn lực và sự hợp tác, giám sát của nhân dân. Do vậy, khi thực hiện công tác này thì bên cạnh những thuận lợi, Bến Tre cũng gặp một số khó khăn. Với nguồn lực tài chính còn hạn chế, cho nên việc đầu tư nguồn lực, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại. Điều kiện thu hút khu vực ngoài Nhà nước tham gia xã hội hóa dịch vụ công (DVC) còn thiếu hấp dẫn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chính quyền điện tử, về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước chưa cao nên chưa tích cực phối hợp, thực hiện, đặc biệt là các DVC trực tuyến. Việc tổ chức triển khai các nội dung CCHC đôi lúc chưa có những giải pháp tập trung, đồng bộ và quyết liệt. Nhiệm vụ đề ra nhiều nhưng chưa thực sự gần với các biện pháp và điều kiện bảo đảm cần thiết. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính đối với CCHC tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế,...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không chỉ đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề mà việc triển khai công tác CCHC cũng gặp không ít khó khăn. Các chương trình, kế hoạch để ra từ đầu năm đều bị gián đoạn; sự lãnh đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân,… phải thay đổi để thích ứng với quy định phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hành chính về thay đổi phương thức làm việc để đảm bảo phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Các TTHC được đẩy mạnh trên nền tảng số, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp, trao đổi công việc. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà; trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp chỉ nhận hồ sơ trực tuyến,... Sự chuyển đổi phương thức phù hợp cùng với các giải pháp về y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống dịch thành công, được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh chống dịch hiệu quả nhất, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định.
Khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10/2021, Bến Tre đang từng bước thực hiện chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ đó, từng bước mở cửa lại nền kinh tế, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện CCHC sẽ được tiếp tục thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nỗ lực vì một nền hành chính phục vụ
- Bến Tre đã đề ra mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt 100% TTHC cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được giải quyết trực tuyến trên cổng DVC trực tuyến mức độ 4. Vậy ông có thể cho biết kết quả công tác CCHC tại Bến Tre như thế nào, có điểm đột phá gì?
- Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã thành lập Tổ giúp việc, có sự tham gia phối hợp của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức thực hiện theo hình thức tập trung. Bên cạnh việc cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC của tỉnh, với sự hỗ trợ tích cực từ Cục Tin học hóa, Bến Tre đã thực hiện tốt việc tích hợp Cổng DVC của tỉnh với các Hệ thống thông tin, một cửa điện tử cấp Bộ; tích hợp hệ thống thanh toán PayGov vào Cổng DVC của tỉnh, cấu hình e-form cho DVC trực tuyến mức độ 4.
Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. |
Từ 01/01-28/09/2021 toàn tỉnh có 1.758 TTHC, trong đó cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 267 dịch vụ, mức độ 4 là 1.214 dịch vụ (đạt 85%). Số DVC trực tuyến mức độ 3 và 4 tích hợp trên Cổng DVC quốc gia là 912/1.481 dịch vụ (đạt 62%). Về phát sinh hồ sơ đạt 46%, trong đó DVC trực tuyến mức độ 3 là 135 dịch vụ, mức độ 4 là 674 dịch vụ. Số hồ sơ được thực hiện qua DVC trực tuyến là 86.253 hồ sơ, trong đó mức độ 3 có 28.214 hồ sơ, mức độ 4 có 58.039 hồ sơ.
Trong các tháng còn lại của năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành, các cấp khẩn trương để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để triển khai CCHC hiệu quả, thiết thực, Bến Tre sẽ đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, Bến Tre sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng và tiện ích của việc giao dịch hành chính qua DVC trực tuyến để cùng thực hiện.
- Ông đánh giá thế nào về mục tiêu của Bến Tre đến năm 2025 sẽ nằm trong Top 20 địa phương có chỉ số CCHC (PAR-INDEX) cao nhất?
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định thực hiện tốt công tác CCHC không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị mà còn giúp hình thành được tâm lý tích cực chính trị của nhân dân. Hình thành một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cởi mở để tạo sự tin cậy và thân thiện giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, những năm qua, chỉ số CCHC (PAR-INDEX) của Bến Tre luôn đứng thứ hạng thấp, trong khi các chỉ số khác liên quan đến CCHC như chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chiến công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đều tăng hạng qua các năm và nằm ở nhóm cao.
Bến Tre đã tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số CCHC và các chỉ số có liên quan để tìm ra những hạn chế, nguyên nhân và xác định nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, cải thiện. Trong đó, có việc ký Bản cam kết về thực hiện các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh.
Với những nỗ lực phấn đấu, năm 2020 chỉ số PAR-INDEX của tỉnh đã được xếp hạng thứ 44/63 tỉnh, thành phố (tăng 19 bậc so với năm 2019). Đây là sự khích lệ rất lớn cho tâm huyết của lãnh đạo tỉnh cũng như sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Từ cột mốc này, nhiệm vụ CCHC năm 2021 và những năm tiếp theo tuy rất nặng nề nhưng với sự đoàn kết, đồng thuận, tập trung thực hiện quyết liệt của từng cấp, ngành, địa phương và mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng công tác CCHC của tỉnh sẽ đạt kết quả tốt hơn, hướng tới năm 2025 đạt chỉ tiêu phấn đấu đưa chỉ số CCHC vào nhóm Top 20 cả nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!