Đây là lần thứ 3 Dự thảo Luật này được trình ra xin ý kiến tại UBTVQH nhưng ngay trong các thành viên Chính phủ vẫn chưa có sự thống nhất.
Sửa 1 luật, 32 luật khác phải sửa
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ họp đã thống nhất lần cuối, hầu hết các bộ, ngành đã thống nhất các vấn đề. Tuy nhiên phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, hiện nay quy hoạch xây dựng có 7 điều trong Luật Quy hoạch, trong khái niệm về quy hoạch xây dựng thì không nói, nhưng trong quy hoạch vùng lại nói về quy hoạch xây dựng vùng, rồi lập quy hoạch. Tức là khái niệm không có nhưng nội hàm lại có cho nên có mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
Cũng theo ông Hà, Dự thảo Luật lần này xóa bỏ quy hoạch sản phẩm mà tích hợp các loại quy hoạch -đây là điểm mới. Trên thực tiễn việc lập quy hoạch xây dựng đã thực hiện việc tích hợp, tuy nhiên ý tưởng thì tốt nhưng dự thảo chưa làm rõ: cách tích hợp, thời hạn tích hợp, tính khả thi trên thực tiễn đối với điều hành phát triển xã hội. Đây là vấn đề không rõ ràng và thực tiễn rất rối. Và nếu theo quy định của Luật này thì giải quyết vấn đề trên phải mất 7-8 năm.
Dự kiến Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ ba tới, có hiệu lực từ 1/1/2019 (vì Luật này liên quan đến 32 luật khác). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đặt vấn đề: từ khi thông qua đến khi Luật có hiệu lực phải cách nhau 6 tháng. Nghĩa là đến tháng 6/2018 phải sửa, thông qua 32 luật. “Vậy chúng ta có đảm bảo được không? phải sửa 32 luật do vướng Luật này vì liên quan đến vấn đề quy hoạch thì liệu Ủy ban Pháp luật có đảm bảo được không?”- bà Nga băn khoăn.
Cùng băn khoăn trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng lo lắng: “Sửa 1 luật vất vả lắm, phải cân, đo đong đếm. Riêng 32 Luật phải sửa thì có đến 18 luật do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thẩm tra. Như vậy là khó khăn”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lấy dẫn chứng: trước đây đã có một trường hợp sửa 1 luật thì phải sửa 12 luật liên quan. Và QH đã bác rồi, giờ sửa 1 luật phải sửa 32 luật có khả thi không?
Làm Luật thế này thì khó thẩm tra
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, hiện tại trong công tác quy hoạch xây dựng, và quy hoạch đô thị có tình trạng xây dựng đô thị nhưng hạ tầng không đồng bộ, không bố trí được không gian. Như việc xây nhà nhưng chưa kết nối với giao thông, y tế, nhà văn hóa... vậy do quy hoạch trong Luật Xây dựng, Luật Đô thị chưa tốt hay quá trình thực hiện Luật chưa tốt.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho rằng, hiện tại quy hoạch đang chồng chéo nhau trong nhiều lĩnh vực, mỗi ngành chỉ nhìn ở góc độ mình chứ chưa nhìn tổng thể chung. Bộ Xây dựng nói trong quy hoạch đô thị có tính đến quy hoạch chung trong đô thị, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói quy hoạch đô thị nằm trong quy hoạch chung. “Vậy cái nào đứng trong cái nào? Xử lý thế nào để khớp nối điều hòa các vấn đề này với nhau?”- ông Bình nói.
Là cơ quan thẩm tra Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ông rất buồn vì cách làm Luật như trên, “cơ quan thẩm tra rất khó thẩm tra vì thẩm tra phải theo cái mà Chính phủ trình. Cứ thay đổi thế này thì khó khả thi”.
Tiếp lời ông Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng không đúng với tinh thần của cuộc họp Chính phủ tháng 3 vừa rồi. “Bây giờ không rõ lý do gì các đồng chí thay đổi. Nếu Chính phủ còn bất đồng như thế, một là Chính phủ cần rút dự thảo Luật về thảo luận kỹ, thống nhất cao thì trình. Còn nếu không, chúng ta phải thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số”- ông Kiên đề nghị.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngay trong Chính phủ cũng chưa có thống nhất cao, cho nên giao Ủy ban Kinh tế nghiên cứu phối hợp với cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật để tiếp thu giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại đại hội ĐBQH chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng tới.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu