Văn hóa là nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình ra Quốc hội (QH) tại Kỳ họp thứ 6 đã quy định về một số chính sách đặc thù về phát triển văn hóa, thể thao và giáo dục. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH (Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội) nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý, chính trị kinh tế và văn hóa con người. Sự hội tụ của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc đã làm cho mảnh đất Kinh kỳ mang một màu sắc và nét đặc trưng riêng.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước. “Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh; bên cạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Ông Bùi Hoài Sơn chỉ ra rằng, Thủ đô Hà Nội còn là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có và hấp dẫn nhất đất nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú cùng lớp lớp nhân tài là văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa. Các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở khắp mọi nơi trong TP là những yếu tố quan trọng để Hà Nội củng cố, bồi đắp nền văn hóa mới trên nền tảng ngàn năm văn hiến. Văn hóa Thủ đô là nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững.
Qua chiều dài lịch sử, Hà Nội vẫn tiếp nối dòng chảy văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa. Đến nay, trong dòng chảy hiện đại thời hội nhập, bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp đã có và phẩm chất con người Hà Nội cũng cần bổ sung thêm nhiều tiêu chí khác nữa. Trong số đó, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, “sáng tạo” nên là một phẩm chất quan trọng của người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội là TP sáng tạo trong mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và có Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) của cả nước. Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, ở đó trọng tâm là những con người sáng tạo được hình thành bởi giáo dục sáng tạo, không gian sáng tạo, được định hướng bởi giá trị “sáng tạo”.
Tháo gỡ 5 “điểm nghẽn”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra 5 “điểm nghẽn”, vướng mắc ở luật pháp cần tháo gỡ, bao gồm phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản; chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu); đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa; chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Một số “điểm nghẽn” này đã được đề cập trong dự thảo Luật, nhưng một số “điểm nghẽn” chưa được đề cập, hoặc mới chỉ đề cập chung chung, chưa cụ thể nên cần được lưu ý nhiều hơn khi triển khai Luật”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình. Minh chứng là thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công.
Nêu giải pháp, ông Bùi Hoài Sơn kiến nghị, Nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa; còn ở một số dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần quy định ưu đãi cho đầy đủ các ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc...
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đội ngũ trí thức, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong thời gian tới. Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững. “Tôi cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn và cần sớm cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn cho đất nước, trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Những chính sách đưa ra trong dự thảo Luật cần bảo đảm xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu