Thánh địa “vàng tặc”
Từ nguồn tin riêng của người dân, đoàn công tác của Sở TN&MT tỉnh Kon Tum do ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT (làm trưởng đoàn) cùng ông Hậu - Chánh Thanh tra Sở TN&MT; ông Phùng Mạnh Trung - Phó Đội trưởng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh); ông Tuấn (Phòng khoáng sản) phối hợp cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam kiểm tra đột xuất khu đồi thông (còn gọi là đồi “hai vú”) thuộc địa phận 2 xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Từ trung tâm huyện Ngọc Hồi, đoàn công tác đi theo QL14C về hướng UBND xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) sau đó di chuyển lên đồi thông của Công ty nguyên liệu giấy miền Nam. Di chuyển khoảng 8km đường rừng dốc, quanh co, đoàn tiếp tục đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ để tiếp cận đồi “hai vú”, nơi được người dân mệnh danh là thánh địa “vàng tặc” từ xưa đến nay.
Đi theo lối mòn nhỏ được đám “vàng tặc” mở ra, nằm ngay chân đồi “hai vú”, đoàn công tác bắt đầu tiếp cận hầm vàng đầu tiên. Theo quan sát, hầm vàng này đang có dấu hiệu tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, địa đạo hầm sâu hàng chục mét, được chia thành nhiều ngách. Cách miệng hầm khoảng 5m đi sâu thẳng vào trong, tất cả đều được gia cố bằng gỗ rất kiến cố. Theo nhận định của đoàn công tác, hầm vàng này hoạt động trong một thời gian khá dài và mới ngưng hoạt động.
Để xác định đúng địa điểm khai thác vàng, đoàn tiến hành bấm tọa độ và xác định, hầm vàng khai thác trái phép thuộc tiểu khu 572, miệng hầm thuộc xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Đoàn công tác tiếp tục băng rừng để kiểm tra toàn bộ đồi “hai vú”. Sau khoảng 30 phút đi bộ, đoàn tiếp tục phát hiện một hầm vàng, khi tiếp cận thì không thấy người. Quan sát tại thực địa, bên trên cửa hầm mọi dấu vết chân đi xuống hầm còn rất mới. Trong hầm được gia cố, chè chống bằng gỗ rất cẩn thận. Đoàn khẳng định hầm này đang hoạt động. Hầm vàng này nằm trên tiểu khu 181, thuộc xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi.
Kiểm tra xung quanh hầm vàng này, đoàn tiếp tục phát hiện nhiều đồ đạc để phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Bên trên cửa hầm không xa, đoàn phát hiện xẻng dùng để đào vàng, hoa tươi và nhang.
Chưa dừng lại ở đó, cách đó không xa, chúng tôi tiếp tục phát hiện một hầm vàng khác cũng thuộc tiểu khu 181, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Hầm vàng này sâu 3m và có một địa đạo đi ngang theo lòng đất và mọi dấu vết đào xới còn rất mới.
Chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện ít nhất 3 hầm khai thác vàng trái phép. Điều này chứng tỏ, hoạt động khai thác vàng tại đây hoạt động trong một thời gian dài nhưng không hề bị chính quyền địa phương xử lý.
Người dân lo sợ
Vị trí khai thác vàng trái phép nằm trong đồi thông của Cty nguyên liệu giấy miền Nam, chắc chắn đơn vị này không thể “vô can” khi để “vàng tặc” cày nát các quả đồi. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một cán bộ (xin giấu tên) của Cty nguyên liệu giấy miền Nam, chúng tôi được chia sẻ: “Chúng tôi vẫn biết các đối tượng khai thác vàng trái phép trong khu vực mà công ty quản lý, nhưng các đối tượng này đều là giang hồ nên khi lên tuần tra gần đó đều bị các đối tượng đe dọa”.
“Sợ nhất là các đối tượng kéo đến chòi canh của Cty vào buổi đêm để trả thù, nên nhiều khi thấy cũng không dám nói”, người này lo sợ cho biết.
Làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam, một người dân cho biết: “Do đất sản xuất của gia đình rất gần với bãi vàng, nên buổi đêm vẫn nghe tiếng máy xay vàng hoạt động. Nhưng cũng lo sợ các đối tượng trả thù nên không dám khai báo cho ai cả”.
Trong quá trình tìm hiểu, nhiều người dân sống xung quanh khu vực bãi vàng cũng tỏ vẻ lo sợ khi cung cấp thông tin cho chúng tôi, bởi người dân nơi đây mang một tâm lý sợ bị trả thù.
Sau khi kiểm tra các hầm vàng tại đồi “hai vú” thuộc 2 xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) thì ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum nhận định: Tình trạng khai thác vàng tại đồi “hai vú” là đúng sự thật và đã giao cho chính quyền địa phương tiếp tục làm rõ.
Sở TN&MT cũng đã có văn bản báo cáo sự việc với UBND tỉnh Kon Tum để tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!