Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.133 VND/USD, giảm 4 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.050 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.645 đồng/USD (mua vào) – 22.955 đồng/USD (bán ra), tăng 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.675 đồng/USD (mua vào) – 23.955 đồng/USD (bán ra), tăng 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.670 đồng/USD (mua vào) – 22.950 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 97,38 điểm, tăng 0,03% so với phiên giao dịch trước đó. Hiện 1 Euro đổi 1,113 USD; 1 bảng Anh đổi 1,333 USD; 1 USD đổi 115,01 yên.
Tỷ giá đồng USD quốc tế tiếp đà tăng so mạnh với các loại tiền tệ khác khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các loại tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có đồng bạc xanh, trước những diễn biến xoay quanh tình hình Ukraine, trong khi đồng rúp phục hồi nhẹ trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Thị trường tiền tệ hiện đã tạm lắng khi Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 28/2, tức là 4 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bên cạnh đó, giá dầu Brent giao sau có mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8-2014 trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Karl Schamotta, trưởng chiến lược gia thị trường tại Cambridge Global Payments, Toronto, cho biết: “Dầu đang tăng mạnh và các nhà đầu tư đang chuyển sang những tài sản trú ẩn an toàn hơn”. “Đồng euro sẽ chịu nhiều tác động nhất từ cú sốc năng lượng”. Một thỏa thuận toàn cầu về giải phóng dự trữ dầu thô đã không thể xoa dịu nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo đó, đồng euro đã giảm 0,8% trong vòng 24 giờ qua, ở mức 1,1130 USD, sau khi chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 6/2020, khi căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá dầu và giá khí đốt tăng vọt.
Trước đó, động thái của Nga tại Ukraine đã vấp phải một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT khiến nước này gặp khó đối với khối tài sản hơn 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. “Các nhà đầu tư có tài sản ở Nga sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc thoái vốn bởi các biện pháp kiểm soát vốn ngày càng chặt”, theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley.
Chiến lược gia Joseph Capurso tại Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) nhận định, xu hướng ngắn hạn của đồng USD sẽ bị chi phối bởi tình hình Nga – Ukraine, nhưng xu hướng trung hạn của đồng bạc xanh sẽ được xác định bởi các dữ liệu kinh tế, trong đó có kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.