Làm thủ tục vay vốn ngân hàng |
Vẫn "nhìn trước ngó sau"?
Nhận ra khách quen, nhân viên của một phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tại Hà Nội thì thào: “Hôm nay không được rồi. Nghe nói lần này nghiêm lắm. Chị gửi tạm cho bọn em 1 tháng, tháng sau xem thế nào…”. Nói rồi, cô nhân viên này bắt chuyện: “Chán nhỉ! Cứ thì thà thì thụt thế này... Chẳng biết lần này thế nào. Em là cứ muốn 14 % là 14%, khỏi phải nhiều thủ tục giấy tờ, lắm sổ sách theo dõi…”
Một khách hàng phân vân trước cuốn số tiết kiệm trên 300 triệu đồng… “Chị gửi lại cho bọn em đi. Bây giờ NH nào cũng thế, đều 14% cả…”- Một nhân viên thuyết phục. Khách hàng có vẻ tần ngân bấm điện thoại hỏi về giá vàng và quyết định rút…
Thực tế, ngay sau cuộc họp giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và 12 NN lớn hôm 26/8 vừa qua, một số NH đã bắt đầu rục rịch giảm lãi suất cho vay khi công bố các gói tín dụng với lãi suất 17- 19% dành cho một số đối tượng doanh nghiệp (DN ), như: NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có 2 gói với tổng định mức 5.800 tỷ đồng, NH TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng có 2 gói với tổng hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng, NH ĐT&PT Việt Nam (BIDV) gói 10.000 tỷ đồng, NH TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) gói 3.000 tỷ đồng …
“Việc công bố này cho vui, như là hưởng ứng vậy thôi, chẳng qua đó chỉ là dự tính. Lãi suất cho vay 17- 19% là có thực, nhưng chỉ dành cho khách hàng “cực ngon”…- lãnh đạo một Ngân hàng TMCP cho biết. “…Cũng chẳng biết thế nào, công bố vậy nhưng chẳng ai kiểm soát xem việc cho vay gói đó hết chưa. Cũng như cửa hàng giảm giá, ghi là giảm 50%, nhưng có thể chỉ áp dụng cho 1 món hàng…”- một chuyên gia bình luận.
Nhiều cơ sở để giảm lãi suất
Tại Hội thảo " Ngân hàng - Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ" do VCCI tổ chức mới đây, Tổng giám đốc NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ông Nguyễn Hưng cũng cho rằng, nếu lãi suất huy động về 14%/năm thì việc hạ lãi vay về 17% - 19%/năm là thực tế, nhưng cái khó lúc này là chi phí huy động trên 14%/năm thời gian qua không dễ giải quyết ngay trong tháng 9, vì vậy, nếu cho vay khoảng 17% - 19%/năm, NH có thể phải chịu lỗ trong khoảng 3 tháng tới.
Cũng là đồng thuận, cũng là các hình thức kỷ luật được đưa ra như những lần trước, nhưng theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, lần này có nhiều cơ sở để việc hạ lãi suất trở thành hiện thực. Thứ nhất, lạm phát kỳ vọng dưới 1%/tháng, do vậy gửi với lãi suất 14%/năm, người gửi tiền vẫn có lãi; Thứ hai, tính thanh khoản của các NH đã được cải thiện nhiều; Thứ ba, bản thân các NH cũng có sự tính toán, sắp xếp để nâng cao tính cạnh tranh của mình, trong đó có giảm lãi suất tiền gửi và cho vay; Thứ tư, NHNN có những thay đổi mạnh mẽ, chuẩn bị các chính sách quan trọng hỗ trợ cho việc giảm lãi suất đồng thời đưa ra nội dung cụ thể, lộ trình và các chế tài xử lý; Bản thân các NHTM cũng bày tỏ quyết tâm trong việc giảm lãi suất…
“Có thể đoán được lạm phát tháng này không trên 1% nhưng liệu lạm phát kỳ vọng năm tới là bao nhiêu? Không ai có thể đoán được”- TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích. Do vậy, về lý thuyết, người gửi tiền 14%/năm có thể biết được mức lãi suất đó là thực dương trong tháng đó, nhưng nếu gửi từ 2- 3 tháng trở lên thì không biết thế nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các NH chỉ có thể huy động được tiền gửi ngắn hạn và cũng không loại trừ khả năng dòng tiền sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi hơn…
Thanh Thanh