Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h ngày 12/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 74,81 USD/thùng, tăng 1,48 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao ở mức 79,40 USD/thùng, tăng 1,41 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng mạnh nhờ việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Xê Út và Nga trong tháng 8 năm nay đã giúp nâng giá dầu tiêu chuẩn, đồng thời giá USD cũng đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng. Đồng bạc xanh yếu đi không chỉ làm cho dầu thô rẻ hơn so với các loại tiền tệ khác mà còn thường làm tăng nhu cầu dầu mỏ.
Bên cạnh đó, hi vọng về nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển trong nửa cuối năm 2023 cũng tạo đà đi lên cho giá dầu.
Các thị trường đang chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ để xem liệu áp lực giá cả có tiếp tục giảm bớt hay không, điều này có thể tạo hy vọng về triển vọng lãi suất.
Trong khi các đại diện ngân hàng trung ương cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, thì thị trường phần nào được bình ổn bởi các dấu hiệu cho thấy nhiều tháng thắt chặt chính sách tiền tệ sắp kết thúc.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay: Xăng E5RON92 có mức giá 20.419 đồng/lít; Xăng RON95-III ở mức 21.497 đồng/lít; Dầu điêzen 0.05S là 18.616 đồng/lít; Dầu hỏa là 18.320 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 15.288 đồng/kg.
Giá xăng dầu trên được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng Xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 51 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít; Dầu điêzen 0.05S tăng 477 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 394 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, với 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên và một lần tăng – giảm trái chiều.