Hôm qua (26/11), Bộ GTVT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp vận tải. Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận để tìm tiếng nói chung…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh cuộc đối thoại lần này là một “kênh” quan trọng để Bộ trực tiếp tham vấn ý kiến DN để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những “nút thắt” gây phiền hà cho doanh nghiệp (DN).
“Được lời như cởi tấm lòng”, các DN vận tải đã tận dụng cơ hội đối thoại để bày tỏ hàng loạt bức xúc. Một trong số ‘điểm nóng” là Thông tư 07/2010/TT-BGTVT. Thông tư này quy định: Tổng trọng lượng của xe nhỏ hơn trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ, nhưng có tải trọng quá 1,1 lần tải trọng trục xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ bị coi là vi phạm.
Tuy nhiên, theo các DN, trên thực tế, có nhiều loại hàng hóa như máy móc, thiết bị hay thép cuộn... sẽ không thể tách nhỏ ra để chia đều chịu lực trên các trục xe. Đối với các trường hợp này, chắc chắn DN vận tải phải chịu phạt lỗi vi phạm khi thực hi ện hợp đồng vận tải. Từ sự bất hợp lý này, nhiều DN đề nghị bỏ quy định trên. Đồng thời, các DN cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa ra quy định đối với xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, tổng trọng tải từ 45 tấn lên 48 tấn cho phù hợp với thông lệ quốc tế…
Chánh Văn phòng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Công cho biết, thực hiện đề án 30 của Chính phủ, trong gian đoạn vừa qua, Bộ đã kiến nghị đơn giản gần 400 TTHC các loại. Trong đó, nhiều TTHC sau khi thay đổi đã mang tính hợp lý hơn trước như: việc kéo dài thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe (5năm/đổi 1 lần) là hợp lý. Đồng thời, việc cấp đổi mới này có thể được thực hiện ngay tại Tổng Cục đường bộ VN mà không phải qua địa phương gây nhiêu phức tạp, khó khăn như trước đây. Hoặc như việc cho phép kéo dài thời gian phù hiệu, biển hiệu cho các xe chạy tuyến cố định; phù hiệu xe taxi, xe du lịch…. (thành phần hồ sơ cũng được đơn giản hoá)… Hay như kiến nghị hộp đèn taxi phải được bật sáng trên nóc khi chạy và tắt khi có khách là hợp lý. Bởi quy định này không những giúp việc quản lý đồng hồ tính tiền, nhận biết xe có khách hay không có khách, lại tránh được tài xế và hành khách thỏa thuận chạy theo cuộc để gian lận cước….
DN kinh doanh taxi lâu nay vẫn bức xúc với quy định phải có xe trước sau đó mới cấp giấy phép kinh doanh, bởi nếu thời gian cấp phép kinh doanh bị trục trặc thì DN chắc chắn sẽ lỗ nặng vì vừa phải trả lãi ngân hàng, lại còn chịu thêm phí bến bãi… Tại Hội nghị, các DN đồng loạt lên tiếng cần phải bỏ thủ tục này.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng - đề xuất nên bỏ quy định xe không được đón trả khách dọc đường. Lý do – theo ông Hùng - vì từ lâu Việt Nam đã hình thành “nền kinh tế ven đường”. “Nếu chúng ta chỉ đón trả khách ở điểm đầu và điểm cuối sẽ rất khó khăn cho việc đi lại của người dân vì nếu như họ ở cách xa bến xe thì việc di chuyển từ nhà, ra bến xe là rất phức tạp…”- ông Hùng phân tích. Ông Hùng cũng cho rằng, không nhất thiết các hãng taxi có màu sơn thống nhất bởi điều này sẽ gây nhiều tốn kém cho DN.
Một vấn dề cũng được Hiệp hội vận tải Việt Nam kiến nghị là thời gian giữ giấy tờ xe đối với các trường hợp lái xe vi phạm. Hiện tại, các lái xe vận tải liên tỉnh khi phạm lỗi thường bị cảnh sát giao thông giữ giấy tờ hoặc bằng lái xe, hẹn 1 – 2 tuần sau quay lại giải quyết. Thực tế, nhiều lái xe không có lịch chở hàng, về lại nơi vi phạm thì cũng không biết đến khi nào mới lấy lại được giấy tờ xe, rất mất thời gian và tốn kém khong cần thiết…
Trước những ý kiến của DN, đại diện Bộ GTVT cho rằng: Các kiến nghị nêu lên có liên quan đến Nghị quyết 45 của Chính phủ vừa ban hành ngày 16/11, vì thế, nếu hợp lý, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất sửa chữa, còn với những vấn đề chưa quy định trong Nghị quyết 45, Bộ sẽ “xin tiếp thu và tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới”…
Đình Đình