Nhiều người phụ nữ cả đời hy sinh cho sự nghiệp của chồng, làm giàu cho gia sản nhà chồng, nhưng khi ly hôn vì nhiều lý do mà lại ra đi tay trắng, vật lộn cùng cuộc sống khó khăn. Thế nhưng “chiếc phao” mà pháp luật tạo ra cho họ thì lại không được biết đến.
Ky cóp mà quên con. Ảnh minh họa |
Có quy định đấy sao?
Theo lời kể của Luật sư Huỳnh Minh Vũ, chị Nguyễn Thị Liên (ở quận Tân Bình, TP.HCM) đã tìm đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn. Vợ chồng chị Liên kết hôn năm 2001. Trước khi kết hôn, chị Liên đã tốt nghiệp đại học, có việc làm và thu nhập ổn định. Sau khi kết hôn, chồng yêu cầu chị ở nhà nội trợ, nuôi con, vì anh hoàn toàn có đủ điều kiện lo cho gia đình, nghĩ thương con chị chấp nhận. Sau khi sinh được hai con chung, hai vợ chồng mâu thuẫn đi đến quyết định ly hôn.
Nguyện vọng của chị Liên là muốn nuôi cả hai con nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, nên họ đã thỏa thuận mỗi người nuôi một con. Về tài sản, chị Liên phải ra đi với hai bàn tay trắng, vì nhà là của cha mẹ chồng đứng tên, doanh nghiệp chồng đang làm giám đốc thì anh bảo khó khăn, thua lỗ. Chồng chị đồng ý cấp dưỡng cho đứa con chị Liên nuôi mỗi tháng là 1,5 triệu đồng. Còn phần mình, do nghỉ việc đã lâu nên không thể đi làm lại, trong tay lại không có vốn để khởi sự làm ăn nên chị Liên lâm vào cảnh túng thiếu nghiêm trọng.
Nghe xong câu chuyện, luật sư với điều kiện kinh tế như thế sao chị Liên không nghĩ đến yêu cầu chồng phải đảm bảo cấp dưỡng cho bản thân chị. Những tưởng chị Liên sẽ đưa ra lý do ngại, mắc cỡ nhưng nào ngờ chị trố mắt ngạc nhiên: “Thật có quy định đó sao?. Kỳ vậy”.
Đòi chồng cũ cấp dưỡng nuôi con như... ăn mày
Công tác ở hội phụ nữ nên chị Quỳnh (Nam Định) biết đến quy định về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn. Nhưng theo chị, nghèo đói còn chịu được, chịu nhục thì không, vì muốn đòi được số tiền cấp dưỡng đó phải sẵn sàng chịu... nhục.
Hai vợ chồng chị Quỳnh cưới nhau được 9 năm, có con con gái 6 tuổi thì chị Quỳnh phát chứng viêm đa khớp phải nghỉ làm chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cuối cùng chị vẫn không đi lại được mà phải gắn bó suốt đời với xe lăn. Không những thế, khớp tay cũng biến dạng khiến bàn tay chị không còn được như trước trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Chồng chị lúc đầu thì chăm sóc vợ, sau đó dần chán. Đến khi vợ phải ngồi xe lăn, không còn khả năng làm vợ nữa thì chồng chị ngang nhiên có bồ và đòi ly hôn.
Do hai vợ chồng sống chung với bố mẹ chồng nên nhà cửa không có gì. Chị Quỳnh dọn về ở với bố mẹ đẻ cùng con gái vì chồng chị từ chối không nhận nuôi. Tòa xử hai mẹ con chị hàng tháng nhận được khoản cấp dưỡng từ cha cho con đến khi con gái tròn 18 tuổi và từ chồng cho vợ đến khi sức khỏe chị Quỳnh bình phục, tìm được việc làm tự nuôi sống bản thân. Rời tòa, chồng cũ chị có vẻ rất hậm hực với khoản cấp dưỡng cho vợ cũ.
Năm đầu, khi chồng cũ chưa lấy vợ, hai mẹ con chị Quỳnh vẫn nhận được khoản cấp dưỡng rất đều đặn. Thế nhưng, từ sau khi anh ta kết hôn thì không thấy nữa. Cực chẳng đã, quá khó khăn vì con gái vừa mổ ruột thừa cần bồi dưỡng nên chị Quỳnh đã tìm đến đòi. Nào ngờ lần thứ nhất không có chồng cũ ở nhà thì chị bị vợ mới của chồng xua chó ra sủa đuổi ầm ĩ. Lần thứ hai đến có chồng cũ, nhận được khoản tiền cấp dưỡng, nhưng đồng thời chị Quỳnh cũng nhận được vô số cái lườm nguýt và những câu nặng nhẹ “Không biết nhục sao mà đi xin như ăn mày. Sống vô ích sao không chết cho rồi” từ vợ chồng họ. Vì con, chị Quỳnh nuốt nước mắt cầm tiền và thề rằng đây là lần cuối cùng chị cầm đồng tiền cấp dưỡng này.
Góc nhìn từ luật pháp
Ngoài quy định về cấp dưỡng cho con, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 còn có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn (Điều 60). Tuy nhiên. khác với việc cấp dưỡng nuôi con, cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn được quy định chặt chẽ là người được cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và bản thân họ phải có yêu cầu (việc yêu cầu này có thể ghi ngay trong đơn ly hôn hoặc làm đơn riêng nếu yêu cầu cấp dưỡng sau thời điểm giải quyết ly hôn); thứ ba là yêu cầu đó phải có lý do chính đáng, ví dụ: Khi ly hôn người vợ bị thất nghiệp, không có việc làm; người vợ bị bệnh tật, không có khả năng lao động mà không có tài sản để nuôi mình... Cuối cùng là người kia phải có điều kiện cấp dưỡng theo khả năng của họ. Cũng theo Điều 61 của Luật này, việc cấp dưỡng sẽ chấm dứt trong trường hợp người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình; bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác.
Thế nhưng, trên thực tế điều luật này cũng không được thực hiện vì lý do đương sự không biết có quy định như vậy hoặc biết, có yêu cầu nhưng bên kia chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi con. Đây cũng là một điều luật khó thực hiện vì thiếu chế tài ràng buộc. |
Hạnh Quyên