Năm 2011 qua đi ghi nhận một năm vô cùng khó khăn với thị trường viễn thông Việt Nam, khi các vụ lùm xùm tăng lên mà hiệu quả kinh doanh giảm đi.
Nhìn lại con đường các nhà mạng đi qua năm 2011, có thể thấy trên con đường không ít gập ghềnh này, có những nhà mạng đã thể hiện sự đuối sức. SKTelecom thoái vốn hoàn toàn khỏi Sfone khiến nhà mạng này giờ càng thêm cô đơn trên phân khúc thị trường CDMA. Không có vốn, con đường phát triển của Sfone ngày càng khó tiên liệu.
Năm 2011 là năm khó khăn đối với thị trường viễn thông Việt Nam. Ảnh minh họa của B.N |
Một mạng nhỏ khác là Beeline trải qua gần hết năm 2011 một cách trầm lắng. Mạng này chỉ được nhắc lại sau khi có được cam kết rót thêm tới gần 500 triệu USD từ tập đoàn mẹ VimpelCom. Thay tướng, thêm đầu số đẹp 099, thêm tiền đầu tư, Beeline tung ra gói cước gây sóng thị trường là Tỷ phú nhưng nhanh chóng bị Bộ Thông tin và Truyền thông “thổi còi”. Sau một thời gian, gói cước Tỷ phú 2 đã được phép triển khai, nhưng lại phải cạnh tranh với các gói nội mạng của VinaPhone, MobiFone, Viettel và rất khó khẳng định khả năng thành công của Beeline trong cuộc cạnh tranh này.
Nhà mạng khác là EVN Telecom trở thành tâm điểm của thị trường do sự thua lỗ triền miên khiến “ông bố” EVN phải tìm cách đẩy đi để cắt lỗ. Vụ sáp nhập của EVN Telecom kéo dài suốt cả năm với những thương vụ đổ bể liên quan tới các nhà mạng khác như FPT, Hanoi Telecom, Viettel…
Việc định đoạt số phận EVN Telecom lại để lại hậu quả chắc còn lâu mới khắc phục nổi cho một mạng di động khác là Hanoi Telecom. Trông chờ việc tham gia vào thị trường 3G làm đòn bẩy để phát triển, giờ đây, khi đối tác EVN telecom sáp nhập, mạng Vietnamobile của Hanoi Telecom phải gồng mình triển khai 3G trong một bối cảnh đầy khó khăn.
Số phận của hai anh em nhà mạng VNPT là MobiFone và VinaPhone vẫn còn đang để ngỏ do thời điểm phải tái cơ cấu theo quy định về vốn chủ sở hữu không còn bao xa.
Thương vụ EVN Telecom - Viettel đang khiến Viettel trở thành người khổng lồ, khiến nhà mạng này đã to lại càng to thêm, và thành trở ngại đáng kể cho bất kỳ đối thủ nào, cả trong nước và trên các thị trường hải ngoại. Tuy nhiên, khi là người khổng lồ, nhà mạng này sẽ nằm dưới “tầm ngắm” trong bất kỳ hoạt động nào.
Năm 2011, khi các đại gia viễn thông Viettel, VinaPhone, MobiFone giảm mức khuyến mại xuống còn 50% theo quy định về khuyến mại, trào lưu mua thẻ, mua SIM để được khuyến mại cũng “xẹp” xuống tương ứng. Những đợt khuyến mại khủng với lượng tiền lớn, thời gian khuyến mãi dài như các gói Tỷ phú của Beeline dù thu hút được sự chú ý lớn của người tiêu dùng, nhưng không hứa hẹn một sự gắn bó bền lâu. Bởi lẽ, xu hướng trung thành với nhà mạng cũng dần được định hình rõ trong các thuê bao. Xu hướng này ghi nhận thành công của các nhà mạng lớn, nhưng lại đặt ra thử thách không nhỏ đối với các nhà mạng nhỏ.
Các mạng di động ảo vẫn đang trên con đường tiến tới hoạt động thực. Năm 2012 vẫn hứa hẹn là năm khó khăn, và không chắc kỳ vọng các mạng ảo đem đến cho thị trường có thực hiện được hay không. Năm 2012, theo các chuyên gia, vẫn là một năm đầy khó khăn cho thị trường viễn thông, vì đó là một năm “đầy va chạm” của các nhà mạng đang tái cơ cấu.
Bách Nguyễn